Tăng huyết áp là bệnh lý cực kỳ phổ biến có thể xảy ra ở mọi đối tượng, kể cả trẻ em. Đặc trưng bởi sự tăng liên tục áp lực dòng máu chảy, tăng huyết áp không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng tức thời của trẻ mà còn liên quan chặt chẽ đến các biến cố tim mạch, đột quỵ và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác về sau. Do đó, các bậc cha mẹ cần cảm nhận được tầm quan trọng của việc phát hiện và theo dõi tăng huyết áp từ sớm cho con trẻ. Hãy cùng FPT Medicare bắt đầu tìm hiểu từ những nguyên nhân, cách thức phát hiện bệnh cũng như thời điểm cần sự can thiệp từ chuyên gia y tế.
1. Phát hiện sớm tăng huyết áp ở trẻ em
1.1. Làm thế nào để phát hiện sớm tăng huyết áp ở trẻ em?
Tăng huyết áp ở trẻ em thường không có triệu chứng rõ ràng, nhất là ở giai đoạn đầu. Do đó, cách tốt nhất để phát hiện sớm bệnh là đo huyết áp định kỳ, ngay cả khi trẻ không có bất kỳ dấu hiệu nào. Cùng với thông tin về sức khỏe của trẻ trong quá khứ (tiền căn) do phụ huynh thu thập sẽ góp phần hỗ trợ bác sĩ xác định rõ chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả hơn.
1.1.1. Đo huyết áp
Theo khuyến cáo của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) năm 2017:
● Tất cả trẻ em > 3 tuổi nên đo huyết áp khi đến khám định kỳ tại cơ sở y tế ít nhất một lần mỗi năm.
● Trẻ < 3 tuổi nên đo huyết áp khi có các yếu tố nguy cơ hoặc bệnh lý đã được chẩn đoán có liên quan đến tăng huyết áp (sẽ được nói rõ ở nội dung sau của bài viết)
● Nếu trẻ ở bất kỳ độ tuổi có biểu hiện hoặc triệu chứng liên quan đến tăng huyết áp rõ ràng và cấp tính nên được đo huyết áp trong thời gian sớm nhất.
Điều quan trọng: phải đo huyết áp một cách chính xác (sử dụng đúng thiết bị và kỹ thuật). Đo huyết áp thủ công bằng máy cơ cho kết quả chính xác hơn so với máy đo điện tử. Do đó, để phát hiện sớm bệnh lý, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế thực hiện những lần đo đầu tiên. Nếu trẻ có nguy cơ mắc hoặc được chẩn đoán đã mắc tăng huyết áp, trẻ cần được theo dõi huyết áp khi khám định kỳ tại bệnh viện hoặc thực hiện tại nhà dưới sự tư vấn, giám sát của chuyên gia y tế.
Các kiểu máy đo huyết áp cơ
Các kiểu máy đo huyết áp điện tử
Huyết áp tại nhà, phụ huynh cần nắm rõ: dụng cụ đo huyết áp phù hợp, kỹ thuật đo đúng, điều kiện cuộc đo chuẩn (tránh các yếu tố gây nhiễu/sai số) và thông số huyết áp bình thường mà trẻ nên đạt. Đừng ngại tham vấn các thông tin cần thiết này từ chuyên gia y tế và hãy ít nhất một lần đưa con em đến khám tại bệnh viện uy tín khi muốn tầm soát sớm bệnh lý này cho trẻ.
1.1.2. Nhận biết dấu hiệu gợi ý tăng huyết áp ở trẻ em
Trong giai đoạn đầu, huyết áp thường tăng chậm, diễn tiến âm thầm nên không gây ra triệu chứng. Đến giai đoạn huyết áp tăng nhanh và đột ngột thì bằng chú ý quan sát có thể nhận diện được rõ ràng hơn các dấu hiệu gợi ý.
Triệu chứng do tăng huyết áp trực tiếp gây ra
● Nhức đầu, chóng mặt.
● Hoa mắt, nhìn mờ.
● Đỏ bừng mặt, tăng thân nhiệt.
● Co giật.
● Mệt mỏi, khó thở.
● Tiểu ít.
Biểu hiện trẻ đỏ bừng mặt gặp trong giai đoạn tăng huyết áp có triệu chứng
Triệu chứng của các nguyên nhân gây tăng huyết áp
● Mắt lồi, bướu cổ, nuốt nghẹn (do cường giáp)
● Phù (do bệnh thận, bệnh tim mạch)
● Sốt, lừ đừ, môi khô, lưỡi dơ, hơi thở hôi (do nhiễm trùng hoặc nhiễm siêu vi)
● Mập phì, mặt tròn, da mỏng và nứt, lông rậm (do bệnh tuyến nội tiết)
● Tiểu són, tiểu ra máu (màu hồng, đỏ), tiểu gắt buốt, nước tiểu nhiều bọt và hôi (do bệnh thận)
● Phát ban (do bệnh Lupus tự miễn)
● Hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh (do bệnh tim mạch)
Rất hiếm các trường hợp tăng huyết áp nhẹ và sớm có xuất hiện các triệu chứng kể trên. Thường khi các bậc cha mẹ bắt đầu nghi ngờ dựa vào dấu hiệu thì trẻ đã vào giai đoạn trễ, khả năng đã có biến chứng. Thế nên phương pháp chẩn đoán sớm và độ tin cậy cao vẫn là đo huyết áp đúng kỹ thuật do chuyên gia y tế có kinh nghiệm thực hiện.
1.1.3. Theo dõi và khai tiền căn bệnh tật của trẻ
Phần lớn tăng huyết áp ở trẻ em là có nguyên nhân (thường là hậu quả của bệnh lý khác từ tim, thận, não…). Xác định nguồn gốc/tác nhân gây tăng huyết áp đóng vai trò quan trọng để phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả. Để làm được điều đó, phụ huynh cần có thói quen theo dõi, lưu lại các tiền căn bệnh tật và các vấn đề liên quan đến sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ từ khi trong bụng mẹ.
1.2. Vì sao tăng huyết áp ở trẻ em cần được phát hiện sớm?
Huyết áp là áp lực dòng máu chảy trong lòng mạch và có thể đo được. Chỉ số huyết áp bình thường sẽ thay đổi theo lứa tuổi (theo xu hướng tăng dần và đạt mức ổn định khi trưởng thành), giới tính và chiều cao của mỗi trẻ.
Định nghĩa tăng huyết áp ở trẻ em từ 13 tuổi trở lên là huyết áp vượt quá 130/80 mmHg; còn đối với trẻ nhỏ dưới 13 tuổi là sự tăng cao liên tục chỉ số huyết áp tâm thu hoặc huyết áp tâm trương (hoặc đồng thời cả hai) khi so sánh mức huyết áp bình thường ở 95% số trẻ em cùng độ tuổi, giới tính và chiều cao.
Chuyên gia y tế sẽ so sánh huyết áp thực tế đo được với chỉ số chuẩn (bằng tính toán) của mỗi trẻ, từ đó xác định trẻ có thực sự mắc bệnh hay không. Còn vai trò của phụ huynh là nhận định được khả năng con em có thể bị tăng huyết áp (từ việc tìm hiểu về bệnh), để đưa ra quyết định khi nào cần đến sự hỗ trợ của chuyên gia.
Tăng huyết áp có khả năng xuất hiện rất sớm (từ khi trẻ vừa sinh ra). Bệnh thường ít biểu hiện nên phụ huynh khó phát hiện ngay từ đầu. Bệnh tiến triển âm thầm đến khi trưởng thành sẽ dẫn đến nhiều hậu quả xấu như:
● Về tức thời: gây nguy hại đến sự phát triển (bị thấp còi,…) , sức khỏe (nguy cơ khởi phát các bệnh tim mạch sớm,…) và tính mạng của trẻ (tăng huyết áp gây biến chứng xuất huyết não,…)
● Về lâu dài: tăng huyết áp thời thơ ấu là yếu tố nguy cơ dẫn đến các biến chứng của tăng huyết áp và bệnh tim mạch khi trưởng thành (tăng huyết áp kháng trị, suy tim, bệnh mạch vành,…)
May mắn là, tăng huyết áp ở trẻ em có phương pháp chẩn đoán dễ dàng bởi chuyên gia y tế cũng như phương pháp điều trị hiệu quả. Do đó, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ mang lại kết quả tốt.
2. Tăng huyết áp ở trẻ em do đâu?
2.1. Nguyên nhân gây tăng huyết áp ở trẻ em
Hiện có 2 cách phân loại tăng huyết áp theo nguyên nhân, đó là:
(1) Tăng huyết áp nguyên phát: là tăng huyết áp tự khởi phát mà không xác định được nguyên nhân. Các chuyên gia cho rằng hiện tượng này là hậu quả của cộng gộp nhiều yếu tố nguy cơ từ môi trường, di truyền và lối sống.
(2) Tăng huyết áp thứ phát: là tăng huyết áp gây ra bởi nguyên nhân xác định được. Đó là bệnh lý (bệnh thận, bệnh tim mạch, rối loạn nội tiết,…) hoặc sử dụng các thuốc gây tăng huyết áp. Đây là loại tăng huyết áp phổ biến ở trẻ em. Việc ghi nhận, lưu giữ đầy đủ thông tin về tình trạng sức khỏe của trẻ theo thời gian rất cần thiết để chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp thứ phát.
2.2. Các yếu tố nguy cơ thúc đẩy tăng huyết áp ở trẻ em
● Thừa cân hoặc béo phì
● Giới nam
● Tiền căn của trẻ từ khi mẹ mang thai: thai chậm phát triển (siêu âm thai nhỏ), cân nặng lúc sinh thấp (< 2,5 kg), sinh non (sinh trước tuần thai 37),…
● Thói quen của trẻ: ăn nhiều gia vị mặn, ít vận động thể lực,…
● Những vấn đề bệnh mãn tính ở trẻ đã được chẩn đoán: đái tháo đường, bất thường cấu trúc hoặc chức năng thận bẩm sinh, bệnh tim bẩm sinh, bệnh não/thần kinh, ghép tạng, bệnh lý huyết học,…
● Tiền căn gia đình: tăng huyết áp, bệnh thận mãn tính, rối loạn mỡ máu có tính gia đình,…
3. Khi nào cần đưa trẻ đo huyết áp tại cơ sở y tế?
Đo huyết áp là một thủ thuật không xâm lấn rất an toàn và thực hiện nhanh chóng. Dưới đây là khuyến cáo một vài mức độ cần thiết để phụ huynh xem xét đưa con trẻ đến đo huyết áp tại cơ sở y tế:
● Có thể cân nhắc đưa trẻ đến cơ sở y tế:
– Trẻ từng được đo huyết áp tại bệnh viện và chẩn đoán không mắc tăng huyết áp;
– Trẻ không biểu hiện triệu chứng liên quan đến tăng huyết áp;
– Trẻ không có yếu tố nguy cơ, chưa từng mắc bệnh lý nào.
● Nên đưa trẻ đến cơ sở y tế:
– Phụ huynh muốn tầm soát sớm tăng huyết áp cho trẻ hoặc nghi ngờ trẻ có khả năng mắc bệnh (nhưng chưa có kinh nghiệm và điều kiện thực hiện đo huyết áp tại nhà);
– Trẻ hiện tại không có vấn đề sức khỏe nhưng có những yếu tố nguy cơ thúc đẩy tăng huyết áp;
– Trẻ chưa được đo huyết áp lần đầu/định kỳ theo khuyến cáo của các tổ chức y tế.
● Bắt buộc đưa trẻ đến cơ sở y tế: (nếu có ít nhất 1 trong các yếu tố sau):
– Trẻ từng được chẩn đoán tăng huyết áp và chỉ định điều trị: nếu đang dùng thuốc để hạ huyết áp, trẻ em nên được khám từ 4-6 tuần một lần để thay đổi thuốc cho đến khi thiết lập được chế độ điều trị ổn định. Nếu bác sĩ không thay đổi thuốc (vì huyết áp đạt mức mục tiêu điều trị với toa thuốc đang dùng), thời gian giữa các lần theo dõi huyết áp sẽ giãn ra từ 3-6 tháng;
– Trẻ đang mắc bệnh lý bất kỳ làm sức khỏe suy yếu (biểu hiện ho, sốt cao, nôn, tiêu chảy,…);
– Huyết áp đo tại nhà tăng đột ngột và đáng kể so với những lần đo trước;
– Trẻ có biểu hiện triệu chứng tăng huyết áp nổi bật và không thuyên giảm, có thể kèm theo các yếu tố nguy cơ hay bệnh lý khác;
– Cần phân biệt tăng huyết áp “áo choàng trắng” (do lo lắng) và tăng huyết áp thật sự;
– Chuyên gia y tế sau khi đánh giá tình trạng bệnh yêu cầu cần cho trẻ nhập viện.
Tạm kết: Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tăng huyết áp từ thời thơ ấu cảnh báo tình trạng huyết áp ở người trưởng thành, tăng nguy cơ phát triển sớm bệnh tim mạch. Do đó, cần xác định và quản lý trẻ mắc tăng huyết áp sớm nhờ đo huyết áp định kỳ. Ngẫm lại, phương pháp đơn giản này cũng có thể tác động quan trọng đến kết quả lâu dài của sức khỏe tim mạch nói riêng và chất lượng cuộc sống nói chung.
Bài viết tham khảo nguồn:
https://www.uptodate.com/contents/high-blood-pressure-treatment-in-children-beyond-the-basics 2. https://www.uspharmacist.com/article/pediatric-hypertension-a-review-of-diagnosis-and-treatment 3. https://publications.aap.org/pediatrics/article/140/3/e20171904/38358/Clinical-Practice-Guideline-for-Screening-and?autologincheck=redirected