Triệu chứng khó thở trong suy tim là một trong những hậu quả của quá trình giảm tưới máu đến tất cả các mô và do tăng áp lực trong tĩnh mạch phổi (các tĩnh mạch đưa máu từ phổi về tim). Trong bài viết này, sẽ giải thích vì sao suy tim gây khó thở và cách giảm thiểu tình trạng này.
1. Tại sao suy tim gây khó thở?
Suy tim là một bệnh lý phức tạp do rối loạn cấu trúc và/hoặc chức năng của tim. Khi bị suy tim, bạn có thể gặp phải một loạt các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở và hạn chế khả năng vận động gắng sức (như đi lên cầu thang, lên dốc hoặc làm việc nặng,…).
Vậy, đâu là nguyên nhân gây nên những triệu chứng này?
Nói một cách đơn giản, suy tim xảy ra khi tim không thể bơm máu một cách hiệu quả. Điều này dẫn đến, máu khi đi từ phổi về tim bị tích tụ và thấm ngược vào phế nang trong phổi. Từ đó, gây ứ dịch (còn được gọi là tắc nghẽn) và làm giảm quá trình trao đổi khí. Đây là nguyên nhân chính tại sao bệnh nhân suy tim thường khó thở.
Đặc biệt khi bệnh nhân nằm, áp lực trong lòng mạch máu phổi tăng cao hơn làm cho bệnh nhân cảm thấy khó thở nghiêm trọng. Triệu chứng này giảm khi bệnh nhân ngồi dậy và cần sử dụng nhiều gối để nâng phần thân trên lên để có thể thở dễ dàng hơn.
Ngoài ra, ở bệnh nhân suy tim, lượng máu bơm đi không đáp ứng đủ nhu cầu oxy của các mô. Do đó, cơ thể ưu tiên đưa máu đến nuôi các cơ quan quan trọng như tim và não. Điều này có nghĩa lượng máu chảy đến tay, chân và da sẽ ít hơn. Chính vì thế, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi và khó thở trong các hoạt động gắng sức. Khi bệnh tiến triển, bệnh nhân có thể cảm thấy khó thở ngay trong lúc nghỉ ngơi.
( Hình minh họa:Triệu chứng khó thở do dịch bị ứ tại phổi)
2. Làm thế nào để giảm thiểu tình trạng khó thở do suy tim?
Để giảm thiểu triệu chứng khó thở, bệnh nhân cần kiểm soát tốt tình trạng suy tim. Dưới đây là một số điều quan trọng có thể giúp quản lý tình trạng bệnh tốt hơn:
2.1. Tuân thủ điều trị
Suy tim là bệnh lý mãn tính, đòi hỏi bệnh nhân cần tuân thủ điều trị bằng thuốc suốt đời. Hãy tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ và không tự ý ngưng thuốc ngay cả khi triệu chứng khó thở đã được cải thiện. Bệnh nhân cần đảm bảo tái khám định kỳ và uống thuốc theo đơn được bác sĩ kê trong lần tái khám gần nhất.
2.2. Thay đổi lối sống
Ngoài điều trị bằng thuốc, việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống thường được khuyến khích trong điều trị suy tim. Các khuyến nghị phổ biến nhất bao gồm:
Giảm lượng muối nạp vào:
- Hội Tim mạch học Hoa Kỳ và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (ACC/AHA) khuyến cáo bổ sung ≤ 3 g natri/ ngày ở tất cả bệnh nhân.
- Nếu bạn gặp tình trạng phù, hãy hạn chế lượng nước nạp vào xuống khoảng 2L/ ngày.
Muối trong chế độ ăn có thể gây sự tích tụ dư thừa chất lỏng trong hệ thống tuần hoàn, đặc biệt là trong phổi, gây ra tình trạng khó thở.
Một số mẹo giúp bạn hạn chế muối là ăn nhiều trái cây, rau quả, hạn chế thức ăn nhanh, kiểm tra nhãn thực phẩm để biết hàm lượng muối,…
Theo dõi cân nặng:
- Để kiểm soát cân nặng hiệu quả, bạn nên tự cân hàng ngày tốt nhất là vào mỗi buổi sáng, trước khi ăn sáng và sau khi đi tiểu.
- Khi bạn có suy tim, có thể xảy ra những biến đổi nhanh chóng về cân nặng. Giảm cân nhanh chóng mà không cần cố gắng có thể là dấu hiệu của suy tim tiến triển nặng. Ngược lại, tăng cân đột ngột có thể xuất phát từ việc giữ nước hoặc ăn quá nhiều. Điều này đòi hỏi tim phải làm việc nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
- Duy trì cân nặng ở mức phù hợp sẽ làm giảm căng thẳng cho tim và cũng có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
Hạn chế đồ uống có cồn:
- Nên dùng tối đa ≤ 2 đơn vị**/ ngày đối với nam và ≤ 1 đơn vị/ ngày đối với nữ. Rượu cũng được tính một phần chất lỏng nạp vào của bạn.
Bỏ hút thuốc:
- Thuốc lá làm giảm khả năng vận chuyển oxy trong máu và góp phần tích tụ chất béo trong mạch máu, gây hẹp mạch và tăng huyết áp. Điều này có thể khiến cho tình trạng suy tim trở nên trầm trọng hơn.
Tập thể dục thường xuyên:
- Luyện tập thể dục nhẹ nhàng, phù hợp với khả năng gắng sức của mỗi cá nhân. Bệnh nhân suy tim nặng nên nghỉ ngơi tại giường.
Hoạt động tình dục phù hợp với tình trạng sức khỏe:
- Bệnh nhân suy tim có thể hoạt động tình dục một cách bình thường nếu các triệu chứng được kiểm soát tốt.
- Tương tự như các hoạt động gắng sức khác, bạn không nên quan hệ tình dục nếu cảm thấy mệt mỏi, khó thở hoặc đau ngực.
Kiểm soát các bệnh mắc kèm:
Các bệnh lý thường liên quan đến suy tim như tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đái tháo đường,…
Chú thích:
* ≤ 2 g natri: khoảng 1 muỗng cafe muối ăn.
** 1 đơn vị cồn= 354 mL bia (5%) hoặc 150 mL rượu vang (12%) hoặc 45 mL rượu mạnh (40%).
( Hình minh họa:Điều chỉnh lối sống có thể giúp cải thiện tình trạng khó thở và sức khỏe tim mạch)
3. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Khó thở là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị suy tim. Tuy nhiên, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay nếu cơn khó thở của bạn ngày càng nặng.
Ví dụ, khoảng cách bạn có thể đi bộ trước khi xuất hiện tình trạng khó thở đã giảm đi so với trước đây hoặc cơn khó thở ngày càng tăng vào ban đêm và khi nằm thẳng. Trong trường hợp bạn bị khó thở nghiêm trọng và dai dẳng, bạn nên gọi cấp cứu ngay lập tức.
Ngoài ra, bạn cũng nên gặp bác sĩ để thăm khám khi gặp các triệu chứng như:
- Đau thắt ngực: Triệu chứng kéo dài hơn 15 phút hoặc không giảm khi nghỉ ngơi .
- Đánh trống ngực: là tình trạng tim đập nhanh hoặc đập mạnh và nhịp tim của bạn có vẻ không đều. Nếu tình trạng đánh trống ngực trở nên trầm trọng hơn hoặc khiến bạn cảm thấy choáng váng hoặc chóng mặt, bạn nên đi khám ngay lập tức.
- Tăng cân nhanh chóng: tăng 1 kg/ngày hoặc 2 kg/tuần.
- Sưng ở chân hoặc mắt cá chân: Bạn có thể nhận thấy bằng mắt thường hoặc cảm thấy giày của mình chật hơn so với bình thường.
- Ho: Cơn ho mới xuất hiện hoặc nghiêm trọng hơn, đặc biệt có thể lẫn máu.
Nhìn chung, khó thở là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất ở người suy tim. Nguyên nhân chính là tim không thể bơm máu một cách hiệu quả và tích tụ chất lỏng trong phổi. Tình trạng này ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và chất lượng sống của bệnh nhân. Để kiểm soát tốt triệu chứng khó thở, bệnh nhân cần duy trì việc tuân thủ điều trị và điều chỉnh lối sống phù hợp.
( Hình minh họa: Một số dấu hiệu cảnh báo của suy tim mà bạn nên biết)
Tài liệu tham khảo:
https://www.heartfailurematters.org/living-with-heart-failure/lifestyle/
https://www.heart.org/en/health-topics/heart-failure/warning-signs-of-heart-failure
https://www.uptodate.com/contents/heart-failure-beyond-the-basics
https://www.heartfailurematters.org/warning-signs
https://www.ahajournals.org/doi/10.1161/circulationaha.111.062430#d1e662