Tiểu đường thai kỳ là một tình trạng đầy nguy hiểm, ảnh hưởng đến cả sức khỏe của mẹ và bé trong giai đoạn mang thai. Bệnh này xảy ra khi hormone thai kỳ làm giảm hiệu quả của insulin, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao. Nếu không được kiểm soát, tiểu đường thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như béo phì thai nhi, sinh non, tiền sản giật ở mẹ và nguy cơ mắc tiểu đường trong tương lai. Tuy nhiên, với các biện pháp phòng ngừa và điều trị như điều chỉnh chế độ ăn uống, duy trì vận động và theo dõi đường huyết thường xuyên, các bà mẹ có thể bảo vệ sức khỏe bản thân và đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho thai nhi.
1. Tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường thai kỳ là một dạng tiểu đường đặc biệt, phát triển trong giai đoạn mang thai. Tình trạng này xảy ra khi lượng đường trong máu (đường huyết) của người mẹ tăng cao, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Thông thường, bệnh được chẩn đoán trong khoảng từ tuần thứ 24 đến tuần thứ 28 của thai kỳ.
Nguyên nhân chủ yếu của tiểu đường thai kỳ chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy rằng hormon từ nhau thai – đóng vai trò hỗ trợ sự phát triển của thai nhi – có thể cản trở hoạt động của insulin trong cơ thể người mẹ, dẫn đến tình trạng kháng insulin. Khi đó, cơ thể người mẹ phải sản xuất nhiều insulin hơn, nhưng nếu không đủ đáp ứng, lượng glucose sẽ tích tụ trong máu, gây ra tiểu đường thai kỳ.
Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường trong thai kỳ, điều này không có nghĩa là bạn đã mắc bệnh tiểu đường trước khi mang thai cũng như không có nghĩa là bạn sẽ mắc bệnh tiểu đường sau khi sinh. Mặc dù đây là một tình trạng đáng lo ngại, nhưng bệnh tiểu đường thai kỳ có thể kiểm soát được, giúp mẹ và bé duy trì sức khỏe tốt.
2. Rủi ro có thể ảnh hưởng đến thai nhi
Tiểu đường thai kỳ không chỉ ảnh hưởng đến người mẹ mà còn gây ra nhiều nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng cho thai nhi:
- Sinh non: Lượng đường huyết cao có thể làm tăng nguy cơ sinh non, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của thai nhi.
- Thai nhi quá lớn: Đường huyết cao từ mẹ có thể đi qua nhau thai đến em bé, khiến tuyến tụy của thai nhi sản xuất nhiều insulin để xử lý lượng đường dư thừa. Điều này dẫn đến việc năng lượng dư thừa được lưu trữ dưới dạng chất béo, làm thai nhi phát triển quá lớn. Trẻ sơ sinh quá nặng thường gặp khó khăn trong quá trình sinh thường, đôi khi gây tổn thương trẻ khi sinh.
- Hạ đường huyết sau sinh: Sau khi chào đời, trẻ có thể gặp tình trạng lượng đường trong máu giảm mạnh do mức insulin cao.
- Khó thở: Một số trẻ có thể gặp các vấn đề hô hấp ngay sau khi sinh.
- Nguy cơ sức khỏe dài hạn: Tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ béo phì và mắc bệnh tiểu đường loại 2 ở trẻ khi lớn lên.
Ngoài ra, trong trường hợp nghiêm trọng, đường huyết cao không được kiểm soát có thể dẫn đến sảy thai hoặc thai chết lưu – tình trạng mất thai trong nửa sau của thai kỳ.
3. Rủi ro có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ
Tiểu đường thai kỳ không chỉ gây khó khăn trong thai kỳ mà còn làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng sức khỏe lâu dài cho người mẹ.
- Tiền sản giật: Đây là một tình trạng nghiêm trọng, thường xảy ra trong nửa sau của thai kỳ. Tiền sản giật gây huyết áp cao và làm tăng lượng protein trong nước tiểu, có thể đe dọa tính mạng của cả mẹ và bé. Trong trường hợp nặng, bác sĩ có thể chỉ định sinh non để đảm bảo an toàn.
- Nguy cơ sinh mổ: Thai nhi quá lớn do tiểu đường thai kỳ có thể khiến người mẹ phải sinh mổ – một phương pháp có nhiều rủi ro hơn so với sinh thường.
- Tiểu đường tuýp 2: Phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ có nguy cơ cao phát triển tiểu đường loại 2 sau này. Nếu không có biện pháp can thiệp, khoảng 20-60% phụ nữ có thể mắc tiểu đường loại 2 trong vòng 5-10 năm sau lần mang thai đầu tiên.
4. Quản lý và phòng ngừa tiểu đường thai kỳ
Mặc dù tiểu đường thai kỳ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, việc quản lý bệnh một cách hiệu quả có thể giúp giảm thiểu rủi ro cũng như có một thai kỳ và em bé khỏe mạnh. Mục tiêu chính của việc điều trị là duy trì đường huyết trong giới hạn bình thường. Các biện pháp có thể giúp kiểm soát đường huyết bao gồm:
4.1. Chế độ ăn uống khoa học:
- Ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo và calo. Tập trung vào các loại trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt.
- Đa dạng hóa nguồn thực phẩm để đảm bảo sự cân bằng các nguồn dinh dưỡng giữa carbohydrate, protein và chất béo lành mạnh.
- Hạn chế tiêu thụ carbohydrate đơn giản, thay thế bằng carbohydrate phức hợp.
- Theo dõi khẩu phần ăn và duy trì lượng calo phù hợp, đặc biệt là với phụ nữ thừa cân hoặc béo phì.
4.2. Hoạt động thể chất:
- Thực hiện các bài tập nhẹ nhàng, chẳng hạn như đi bộ, bơi lội hoặc đạp xe, trong ít nhất 30 phút trong hầu hết các ngày, trước và trong khi mang thai.
4.3. Theo dõi đường huyết:
- Đo đường huyết thường xuyên để đảm bảo luôn ở mức ổn định.
- Ghi nhận các kết quả đo để điều chỉnh chế độ ăn uống và hoạt động thể chất phù hợp.
4.4. Chăm sóc sức khỏe tổng thể:
- Nếu bạn đang có kế hoạch mang thai, hãy duy trì cân nặng hợp lý trước khi mang thai để giảm nguy cơ tiểu đường thai kỳ.
- Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về mức tăng cân hợp lý trong thai kỳ.
Kết luận:
Tiểu đường thai kỳ là một tình trạng nghiêm trọng nhưng có thể kiểm soát được. Việc chủ động theo dõi sức khỏe, duy trì chế độ ăn uống khoa học và thực hiện các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp mẹ và bé vượt qua thai kỳ một cách an toàn. Đồng thời, những thói quen lành mạnh này cũng hỗ trợ phụ nữ giảm nguy cơ tái phát tiểu đường trong các lần mang thai sau và tiểu đường loại 2 trong tương lai.
Để góp phần giúp các bệnh nhân thay đổi thói quen ăn uống và vận động phù hợp để kiểm soát tốt bệnh tiểu đường, FPT MediCare đang tiên phong trong việc ứng dụng các công nghệ hiện đại cho mục đích chăm sóc sức khỏe, trong đó có bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, công nghệ theo dõi đường huyết liên tục đã tạo ra một cuộc cách mạng trong việc quản lý đường huyết. Máy đo đường huyết liên tục 3P của FPT MediCare, giúp theo dõi chính xác mức đường huyết 24/7, từ đó giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ thể và các yếu tố ảnh hưởng đến đường huyết của mình. Nhờ vậy, bạn có thể điều chỉnh chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và thói quen sinh hoạt một cách hiệu quả. Với máy đo đường huyết liên tục 3P của FPT, việc quản lý bệnh tiểu đường trở nên đơn giản và hiệu quả hơn bao giờ hết. Để hiểu hơn về lợi ích của thiết bị này, bạn có thế tham khảo thêm sản phẩm và các bài viết khác trên trang web https://web.fptmedicare.vn/.
Bài viết tham khảo nguồn:
https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC4404707
https://diabetes.org/living-with-diabetes/pregnancy/gestational-diabetes