1. Liệu có thể nhận biết sớm bệnh võng mạc đái tháo đường?
Bạn có thể không phát hiện ra bất kỳ triệu chứng nào trong giai đoạn đầu của bệnh võng mạc do đái tháo đường (hay tiểu đường). Tuy nhiên, khi tình trạng này tiếp tục phát triển, bạn có thể bắt đầu nhận thấy:
- Các đốm hoặc sợi đen nổi lên trong tầm nhìn của bạn
- Mờ mắt
- Nhìn lúc rõ, lúc mờ
- Nhìn thấy những vùng sáng hoặc tối
- Mất thị lực
Bất cứ bệnh nhân tiểu đường nào đều có thể mắc bệnh võng mạc. Nguy cơ phát triển biến chứng này có thể tăng lên do:
- Bị tiểu đường lâu năm
- Thiếu kiểm soát lượng đường trong máu
- Huyết áp cao
- Cholesterol cao
- Phụ nữ đang mang thai
- Hút thuốc lá
2. Khi nào cần đến khám bác sĩ ?
Nếu thị lực của bạn đột nhiên thay đổi, mờ mắt hoặc nhìn thấy các đốm, hãy liên hệ ngay với bác sĩ.
Nếu bạn mắc bệnh đái tháo đường, hãy đến bệnh viện để kiểm tra định kỳ hàng năm – thậm chí nếu thị lực của bạn vẫn tốt.
Việc mắc bệnh đái tháo đường khi có thai (đái tháo đường thai kỳ) hoặc trước khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh võng mạc. Nếu bạn đang mang thai, việc kiểm tra mắt có thể thường xuyên hơn.
3. Tầm quan trọng của việc nhận biết sớm bệnh võng mạc do đái tháo đường
Theo thời gian, quá nhiều đường trong máu có thể dẫn đến tắc nghẽn các mạch máu nhỏ nuôi dưỡng võng mạc. Kết quả là, mắt cố gắng phát triển các mạch máu mới – đây là những mạch máu bất thường trong võng mạc. Những mạch máu này không phát triển đúng cách và có thể dễ dàng bị rò rỉ.
Trong giai đoạn đầu của bệnh võng mạc tiểu đường, thành mạch máu của võng mạc yếu đi, đôi khi rò rỉ dịch và máu vào võng mạc. Các mô ở võng mạc sưng lên, tạo ra các đốm trắng (xem hình 1). Khi bệnh trầm trọng hơn, các mạch máu này ngày càng phát triển và đe dọa thị lực của bạn.

Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh võng mạc do tiểu đường có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng sau:
– Xuất huyết dịch kính. Các mạch máu mới (gây ra bởi bệnh võng mạc do tiểu đường) có thể gây chảy máu vào dịch kính – nằm sau thủy tinh thể (xem hình 2.A) . Nếu lượng máu chảy ra nhỏ, bạn có thể chỉ thấy một vài đốm đen (những đốm lơ lửng trong tầm nhìn). Trong trường hợp nặng hơn, máu có thể lấp đầy dịch kính và hoàn toàn che khuất tầm nhìn của bạn.
Xuất huyết dịch kính ở mức độ nhẹ không gây ra mất thị lực vĩnh viễn. Máu thường sẽ được loại bỏ khỏi mắt trong vài tuần hoặc vài tháng. Nếu võng mạc mắt của bạn không bị tổn thương, thị lực của bạn sẽ có khả năng trở lại như cũ.
– Bong (hoặc tách lớp) võng mạc. Các mạch máu bất thường kích thích sự phát triển của mô sẹo, có thể kéo võng mạc mắt ra khỏi phần sau của mắt (xem hình 2.B). Điều này có thể gây ra các đốm nổi trong tầm nhìn của bạn, ánh sáng chớp nháy hoặc mất thị lực nghiêm trọng.
– Bệnh tăng nhãn áp. Các mạch máu mới có thể hình thành ở phần trước của mắt (giác mạc) và cản trở dòng chảy bình thường của dịch mắt ra ngoài. Điều đó làm tăng áp lực trong mắt. Áp lực này có thể làm tổn hại đến dây thần kinh chuyển hình ảnh từ mắt của bạn đến não (xem hình 2.C).
– Mù lòa. Bạn có thể mất thị lực hoàn toàn, nếu các bệnh trạng được liệt kê ở trên không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và hợp lý.
|
|
|
Hình 2. Minh họa các bệnh lý võng mạc đái tháo đường
Thông điệp chính:
Cần phát hiện sớm bệnh võng mạc đái tháo đường để giảm thiểu hậu quả trầm trọng mà bệnh mang lại. Do đó:
– Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu có bất kỳ thay đổi về thị lực
– Đừng bỏ qua các cuộc kiểm tra mắt định kỳ, ngay cả khi thị lực của bạn tốt
Bạn có thể xem bài viết Phòng ngừa và điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường để tham khảo cách ngăn chặn biến chứng võng mạc do đái tháo đường gây ra. Cũng như hiểu hơn về phương pháp điều trị mà bác sĩ có thể sử dụng để tuân thủ đúng cách, giúp việc điều trị hiệu quả hơn.
Bài viết tham khảo nguồn: nei.nih.gov và mayoclinic.org.