Mang thai ngoài tử cung là một cấp cứu sản khoa cần được điều trị kịp thời, nếu không sẽ nguy hiểm đến sức khỏe thai phụ, thậm chí tử vong. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị và cách phòng ngừa mang thai ngoài tử cung để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
1. Mang thai ngoài tử cung là do đâu?
Mang thai ngoài tử cung (chửa ngoài tử cung) là trường hợp trứng làm tổ ở một vị trí khác bên ngoài buồng tử cung của người mẹ: ống dẫn trứng, buồng trứng, cổ tử cung hoặc trong ổ bụng.
Thông thường, trứng sẽ được thụ tinh ở ống dẫn trứng, sau đó di chuyển về buồng tử cung để làm tổ và phát triển. Nếu trứng không di chuyển hay dừng lại giữa chừng, hoặc trứng bị đẩy ra ngoài vòi trứng thì sẽ gây chửa ngoài tử cung.
Ở môi trường bên ngoài tử cung, trứng đã thụ tinh sẽ không thể tồn tại và phát triển bình thường. Nếu không được điều trị kịp thời, khối thai cũng có thể vỡ ra bất cứ lúc nào, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm: làm giảm khả năng sinh sản trong tương lai, nghiêm trọng hơn có thể gây tử vong cho người bệnh.
Thai ngoài tử cung (vòi trứng)
1.1. Nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn đến mang thai ngoài tử cung có thể do:
- Dị tật bẩm sinh ở ống dẫn trứng
- Viêm ống dẫn trứng
- Lạc nội mạc tử cung ở ống dẫn trứng
- Đã từng mang thai ngoài tử cung lần trước đó
- Nạo phá thai nhiều lần
- Từng phẫu thuật vùng bụng gây ảnh hưởng đến ống dẫn trứng
1.2. Yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố sau đây cũng có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung:
- Mang thai sau 35 tuổi
- Mang thai khi đang đặt vòng tránh thai (dụng cụ tử cung)
- Mang thai nhờ các phương pháp điều trị vô sinh
- Mắc các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục (lậu, chlamydia,..)
- Đã từng phẫu thuật thắt và tháo ống dẫn trứng
- Vấn đề về nội tiết tố
- Hút thuốc lá
2. Dấu hiệu nhận biết mang thai ngoài tử cung là gì?
Ở giai đoạn sớm, triệu chứng mang thai ngoài tử cung thường không rõ ràng mà chỉ biểu hiện như mang thai thông thường: tắt kinh, ngực căng đau, lợm giọng, buồn nôn,…
Các dấu hiệu của việc mang thai ngoài tử cung thường chỉ được phát hiện từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 12 của thai kỳ:
- Chảy máu âm đạo: Thường xảy ra sau khi chậm kinh một vài ngày, tuy nhiên màu sắc và đặc điểm không giống với máu kinh – huyết ra ít, có màu nâu đen như socola, có khi có lẫn màng.
- Đau bụng: Đặc điểm là đau âm ỉ vùng bụng dưới, đôi khi đau thành cơn kèm theo cảm giác mót rặn.
- Đau vùng xương chậu hoặc có cảm giác như bị chuột rút ở một bên xương chậu
- Đau ở đầu vai
Đau bụng vùng hạ vị
Trong trường hợp nặng hơn, khi khối thai ngoài tử cung bị vỡ, gây chảy máu trong ổ bụng, bệnh nhân có thể có các triệu chứng sốc như:
- Da xanh
- Vã mồ hôi
- Chân tay lạnh
- Khát nước
- Thở nhanh
- Ra máu âm đạo màu đen
- Có những cơn đau đột, dữ dội ngột ở vùng bụng dưới, thậm chí có thể đau đến choáng váng và ngất đi.
3. Mang thai ngoài tử cung có thể được điều trị bằng phương pháp nào?
Tùy vào điều kiện sức khỏe và tình trạng bệnh lý của từng ca bệnh, mang thai ngoài tử cung có thể được điều trị bằng phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa.
- Nội khoa: Trường hợp khối thai có kích thước dưới 3,5 cm, chưa vỡ và không có sự hoạt động của tim thai. Bệnh nhân có thể được điều trị bằng thuốc nội khoa Methotrexat (MTX). Nếu điều trị bằng thuốc không hiệu quả, bệnh nhân sẽ được chuyển qua điều trị bằng phương pháp ngoại khoa.
- Ngoại khoa: 2 phương pháp ngoại khoa có thể được sử dụng là mổ nội soi và mổ mở. Trường hợp người bệnh dị ứng với thuốc hoặc không đáp ứng các điều kiện điều trị bằng thuốc MTX (tuần hoàn không ổn định, có dấu hiệu sốc do khối thai bị vỡ, gây xuất huyết hoặc người bệnh bị suy thận,…) thì cần phải phẫu thuật để loại bỏ khối thai.
4. Có thể phòng ngừa mang thai ngoài tử cung được không?
Không có cách nào để phòng tránh mang thai ngoài tử cung hoàn toàn, nhưng bạn có thể làm giảm nguy cơ mắc phải bệnh lý này xuống mức thấp nhất bằng cách:
- Quan hệ tình dục an toàn để tránh các bệnh viêm nhiễm lây qua đường tình dục.
- Thận trọng khi sử dụng các phương pháp tránh thai (dùng thuốc tránh thai, đặt vòng tử cung,…)
- Không hút thuốc lá
Ngoài ra, sau khi mang thai, bạn cần đi khám thai định kỳ, thường xuyên để phát hiện sớm các tình trạng mang thai ngoài tử cung và điều trị kịp thời.
Siêu âm thai
Lưu ý: Phát hiện và điều trị sớm mang thai ngoài tử cung có thể giúp bạn giảm được những biến chứng sản khoa về sau này như vô sinh hay tái phát mang thai ngoài tử cung. Vì vậy, hãy luôn theo dõi tình hình sức khỏe của bản thân và tìm đến sự trợ giúp y tế của các bác sĩ, các trung tâm y tế, bệnh viện uy tín nếu có bất kỳ vấn đề bất thường nào về sức khỏe để được thăm khám kịp thời bạn nhé.
Tóm lại, mang thai ngoài tử cung có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân và gây nguy hiểm đến sức khỏe của thai phụ nếu không được điều trị sớm, khiến tình trạng bệnh trở nặng.Nhưng cũng đừng quá lo lắng, bằng cách luôn quan tâm chăm sóc sức khỏe, thận trọng trong việc sử dụng các phương pháp tránh thai và quan hệ tình dục an toàn,… bạn vẫn có thể làm giảm nguy cơ mắc phải bệnh lý này xuống mức thấp nhất.Hãy luôn lắng nghe cơ thể của bản thân, chú ý đến những biểu hiện bất thường về sức khỏe và chủ động đi khám để được điều trị một cách kịp thời bạn nhé! |
Bài viết tham khảo nguồn: Medlineplus, NHS, Mayo Clinic.
https://medlineplus.gov/ency/article/000895.htm
https://www.nhs.uk/conditions/ectopic-pregnancy/
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ectopic-pregnancy/symptoms-causes/syc-20372088
-255