1. Có thể nhận biết sớm bệnh thần kinh tiểu đường không?
Các triệu chứng sẽ phụ thuộc vào loại bệnh thần kinh tiểu đường mà bạn mắc phải, và dây thần kinh nào bị ảnh hưởng. Thông thường, các triệu chứng phát triển dần dần. Bạn có thể không nhận thấy bất thường nào cho đến khi tổn thương thần kinh trở nên nặng hơn.
1.1 Dấu hiệu bệnh thần kinh ngoại biên
Đây là loại bệnh thần kinh tiểu đường phổ biến nhất. Nó ảnh hưởng đến chân đầu tiên, sau đó là bàn tay và cánh tay.
Các triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên thường nặng hơn vào ban đêm:
- Tê hoặc giảm khả năng nhận biết cảm giác đau
- Khó nhận ra sự thay đổi nhiệt độ (nóng hoặc lạnh) ở chân
- Cảm giác ngứa ran hoặc nóng rát
- Đau nhói hoặc chuột rút
- Yếu cơ
- Cực kỳ nhạy cảm khi chạm vào. Ví dụ, đôi khi ga trải giường chạm vào cũng khiến bạn đau đớn
- Các vấn đề nghiêm trọng về chân, chẳng hạn như loét, nhiễm trùng và tổn thương xương khớp…
1.2 Dấu hiệu bệnh lý hệ thần kinh tự chủ
Đây là biến chứng ảnh hưởng đến các dây thần kinh tự chủ – chúng kiểm soát bàng quang, đường ruột và bộ phận sinh dục cùng các cơ quan khác.
Các dấu hiệu có thể bao gồm:
- Khó tiêu hoặc ợ chua
- Các vấn đề về bàng quang hoặc ruột
- Buồn nôn, nôn
- Cảm giác no ngay cả khi chỉ ăn một lượng nhỏ
- Khó nuốt
- Lượng đường trong máu của bạn rất khó dự đoán. Bạn không đoán được đường huyết sau khi ăn cao hay thấp. Hoặc không còn nhận thấy các triệu chứng khi hạ đường huyết
- Mắt khó điều chỉnh khi bạn đi từ nơi tối ra nơi sáng hoặc khi lái xe vào ban đêm.
- Tăng hoặc giảm tiết mồ hôi
- Các vấn đề về phản ứng tình dục, chẳng hạn như khô âm đạo ở phụ nữ và rối loạn cương dương ở nam giới .
1.3 Dấu hiệu bệnh đa dây thần kinh
Loại bệnh thần kinh này thường ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở đùi, hông, mông hoặc chân. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến vùng bụng và ngực. Các triệu chứng thường ở một bên cơ thể, nhưng có thể lan sang bên còn lại.
Bệnh đa dây thần kinh có thể gây ra các tiệu chứng:
- Đau dữ dội ở mông, hông hoặc đùi
- Cơ đùi yếu và co rút
- Khó vươn dậy từ tư thế ngồi
- Đau ngực hoặc thành bụng
1.4 Dấu hiệu bệnh đơn dây thần kinh
Đây là bệnh gây tổn thương một dây thần kinh cụ thể. Dây thần kinh có thể ở mặt, thân, cánh tay hoặc chân.
Bệnh đơn dây thần kinh có thể dẫn đến:
- Khó tập trung hoặc nhìn đôi (ví dụ nhìn 1 ngón tay thành 2 ngón tay)
- Liệt một bên mặt
- Tê hoặc ngứa ran ở bàn tay, ngón tay
- Tay yếu, có thể làm rơi đồ
- Đau ở ống chân hoặc bàn chân
- Khó khăn khi nâng phần trước của bàn chân (chứng thả chân hoặc rũ chân)
- Đau ở phía trước đùi
Bệnh thần kinh tiểu đường là một loại tổn thương thần kinh có thể xảy ra nếu bạn mắc tiểu đường. Lượng đường (glucose) trong máu cao có khả năng làm hư hại các dây thần kinh khắp cơ thể. Các biến chứng nghiêm trọng thường thấy là ở chân và bàn chân. Ngoài ra, bệnh còn có nguy cơ gây rối loạn chức năng của các cơ quan nội tạng…
Tham khảo bài viết Bệnh thần kinh do tiểu đường – Khám phá những điều bạn cần biết! để biết rõ hơn về hậu quả của bệnh thần kinh tiểu đường.
2. Với dấu hiệu nào thì tôi nên đi khám?
Hãy đến bệnh viện nếu bạn có:
- Vết cắt hoặc vết loét trên bàn chân của bạn bị nhiễm trùng hoặc không lành
- Nóng rát, ngứa ran, yếu hoặc đau ở chân, tay. Gây cản trở các hoạt động hàng ngày và giấc ngủ
- Thay đổi về tiêu hóa, tiểu tiện hoặc tình dục
- Chóng mặt và ngất xỉu
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến nghị nên tiến hành sàng lọc bệnh thần kinh tiểu đường ngay sau khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc tiểu đường loại 2, hoặc 5 năm sau khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 1. Sau đó, nên sàng lọc mỗi năm một lần.
3. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh thần kinh tiểu đường
Bạn có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn việc đái tháo đường tác động đến hệ thần kinh, bằng cách quản lý chặt chẽ lượng đường trong máu. Hơn nữa, hãy chăm sóc tốt cho đôi chân của mình để phát hiện sớm và hạn chế biến chứng thần kinh phổ biến nhất bệnh bàn chân đái tháo đường.
3.1 Quản lý tốt đường huyết
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến nghị những người mắc bệnh tiểu đường nên làm xét nghiệm HbA1C ít nhất hai lần một năm. Xét nghiệm này cho biết mức đường huyết trung bình của bạn trong 2 đến 3 tháng qua.
Mức HbA1C mục tiêu nên được cá nhân hóa, phù hợp với từng tình trạng bệnh khác nhau. Nhưng nhìn chung, ADA khuyến nghị mục tiêu HbA1C < 7,0%. Nếu lượng đường trong máu của bạn cao hơn mức mục tiêu, bạn có thể cần được điều chỉnh thuốc, chế độ ăn uống hoặc hoạt động thể chất. Việc điều chỉnh này cần được sự đồng ý của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
3.2 Chăm sóc kỹ lưỡng đôi chân
Các vấn đề về chân, bao gồm những vết thương lâu lành, vết loét và thậm chí phải cắt cụt chi. Là những biến chứng phổ biến của bệnh thần kinh do tiểu đường.
Tuy nhiên, bạn có thể ngăn ngừa những tình huống xấu này bằng cách khám chân toàn diện ít nhất mỗi năm một lần tại chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình. Ngoài ra, hãy đề nghị bác sĩ kiểm tra bàn chân giúp bạn tại mỗi lần khám tiểu đường định kỳ, và chăm sóc tốt cho đôi chân của bạn tại nhà.
Hãy tham khảo bài viết “9 típ chăm sóc bàn chân tiểu đường khỏe mạnh từ chuyên gia” để nắm rõ hơn những việc bạn có thể làm giúp giữ cho đôi chân khỏe mạnh.
Thông điệp chính: Rất khó để phát hiện bệnh thần kinh tiểu đường ở giai đoạn sớm. Tổn thương dây thần kinh có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng ở những bộ phận khác nhau của cơ thể đối với bệnh nhân tiểu đường. Việc bạn cần làm là duy trì đều đặn khám định kỳ đái tháo đường và sàng lọc các biến chứng, trong đó có bệnh lý thần kinh. Đồng thời quản lý tốt đường huyết và quan tâm chăm sóc đôi chân của mình. Hãy báo cho bác sĩ nếu bạn có những biểu hiện nghi ngờ của biến chứng thần kinh tiểu đường. |
Bài viết tham khảo nguồn: ADA, diabetes.org.uk, hopkinsmedicine.org và niddk.nih.gov