Hơi thở có mùi trái cây là một triệu chứng đặc trưng có thể gặp ở một số người bị tiểu đường. Mùi hương này, giống như táo chín hoặc đôi khi là aceton, không chỉ là hiện tượng đơn thuần mà còn là tín hiệu cảnh báo nguy cơ nhiễm toan ceton – một tình trạng nguy hiểm đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Bài viết dưới đây của FPT MediCare sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, cơ chế và cách phòng ngừa tình trạng này.
- Tại sao hơi thở lại có mùi trái cây ở người tiểu đường?
Ở nhiều người tiểu đường, tuyến tụy sản xuất ra insulin kém hoặc không thể sản xuất insulin, nên cơ thể không có đủ insulin để chuyển hóa glucose trong máu thành năng lượng trong tế bào. Thay vào đó, cơ thể buộc phải phân hủy chất béo để làm nhiên liệu, dẫn đến sự hình thành các sản phẩm phụ gọi là ceton. Trong đó, aceton – một loại ceton chính – là nguyên nhân trực tiếp gây ra mùi trái cây đặc trưng. Mùi này được mô tả là giống mùi táo hay lê, hoặc giống mùi trong nước tẩy sơn móng tay.
Khi nồng độ ceton trong máu tăng cao, chúng không chỉ gây ra mùi hơi thở đặc biệt mà còn làm cho máu trở nên có tính axit, một tình trạng được gọi là nhiễm toan ceton do tiểu đường (DKA). Nhiễm toan ceton do tiểu đường xảy ra phổ biến nhất ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 và đôi khi cũng có thể xuất hiện ở người mắc tiểu đường tuýp 2.
- Nhiễm toan ceton: hiểu rõ để phòng tránh
Thông thường, việc phân hủy chất béo để lấy năng lượng không gây nguy hiểm miễn là nồng độ ceton trong máu được kiểm soát. Tuy nhiên, khi lượng đường trong máu quá cao và thiếu hụt insulin trầm trọng, ceton tích tụ nhanh chóng và làm tăng tính axit của máu, dẫn đến nhiễm toan ceton và đầu độc cơ thể. Do đó, hơi thở có mùi trái cây có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiễm toan ceton do tiểu đường.
Nhiễm toan ceton do tiểu đường có liên quan đến tình trạng tăng đường huyết không kiểm soát và thiếu insulin quá mức. Các nguyên nhân của tình trạng này có thể bao gồm:
- Thiếu insulin do quên dùng thuốc hoặc không tuân thủ chỉ định điều trị.
- Các bệnh lý nhiễm trùng làm giảm hiệu quả hoạt động của insulin.
- Căng thẳng, bệnh tim, sử dụng rượu bia hoặc một số loại thuốc như corticoid.
- Đối với một số người chưa được chẩn đoán tiểu đường, nhiễm toan ceton có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh.
Nhiễm toan ceton do tiểu đường là một tình trạng nghiêm trọng, có thể tiến triển nhanh chóng trong vòng vài giờ và đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiễm toan ceton là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em và thanh thiếu niên mắc tiểu đường tuýp 1, chiếm khoảng 50% tổng số ca tử vong ở những người mắc bệnh tiểu đường dưới 24 tuổi.
- Dấu hiệu nhận biết nhiễm toan ceton
Nhiễm toan ceton thường có những triệu chứng ban đầu không quá rõ ràng, như:
- Cảm thấy khát nước nhiều hơn bình thường.
- Đi tiểu thường xuyên.
Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng nặng hơn có thể xuất hiện, bao gồm:
- Hơi thở mùi trái cây (mùi táo hoặc acetone).
- Da và miệng khô, mặt đỏ bừng.
- Khó thở, thở nhanh hoặc thở sâu.
- Buồn nôn, ói mửa hoặc đau bụng.
- Cảm giác mệt mỏi kéo dài, đau đầu, hoặc lú lẫn.
- Cách giảm nguy cơ nhiễm toan ceton
Việc phòng ngừa nhiễm toan ceton là yếu tố then chốt để bảo vệ sức khỏe người tiểu đường. Người mắc tiểu đường cần nắm rõ những triệu chứng của nhiễm toan ceton, sự nguy hiểm đến tính mạng của tính trạng này và cần được điều trị khẩn cấp tại bệnh viện. Người bệnh có thể tham khảo một số gợi ý để làm giảm nguy cơ mắc phải tình trạng này:
Những điều nên làm:
- Tuân thủ kế hoạch điều trị: Đảm bảo sử dụng insulin và các loại thuốc hạ đường huyết đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Theo dõi đường huyết thường xuyên, đặc biệt khi bạn cảm thấy không khỏe.
- Xét nghiệm ceton: Khi lượng đường trong máu cao, hãy xét nghiệm ceton theo hướng dẫn của bác sĩ để phát hiện kịp thời nguy cơ nhiễm toan.
Những điều không nên làm:
- Ngừng dùng insulin: Ngay cả khi không ăn uống, việc sử dụng insulin theo hướng dẫn của bác sĩ vẫn rất quan trọng để kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa tích tụ ceton.
- Bỏ qua liều thuốc: Việc quên hoặc bỏ qua liều thuốc điều trị có thể dẫn đến sự mất kiểm soát đường huyết và insulin trong cơ thể.
Máy đo đường huyết liên tục 3P của FPT MediCare: Người bạn đồng hành tin cậy cho người bệnh tiểu đườngĐể góp phần vào sứ mệnh kiểm soát đường huyết hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân tiểu đường, FPT MediCare đang tiên phong trong phát triển công nghệ theo dõi đường huyết, trong đó có máy đo đường huyết liên tục 3P. Thiết bị này giúp bạn theo dõi đường huyết liên tục trong 14 ngày và hiển thị trực quan trên ứng dụng điện thoại, cho phép người dùng nắm bắt chi tiết biến động đường huyết, từ đó cá nhân hóa chế độ ăn uống và tập luyện. Ngoài ra, tính năng cảnh báo thông minh, chia sẻ dữ liệu với người thân và bác sĩ, cùng công nghệ bảo mật cao đảm bảo an toàn thông tin và tăng cường sự an tâm. Máy đo đường huyết 3P mang đến cuộc sống tự do, tận hưởng khoảnh khắc và làm chủ sức khỏe mỗi ngày. Để tìm hiểu thêm về máy đo đường huyết liên tục 3P, bạn có thể tham khảo thêm sản phẩm hoặc các bài viết khác tại website https://web.fptmedicare.vn/.
Bài viết tham khảo nguồn:
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31141143
https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC10995760
https://www.nhs.uk/conditions/diabetic-ketoacidosis
https://www.medicalnewstoday.com/articles/317465
https://www.medicalnewstoday.com/articles/bad-breath-and-diabetes