1. Mức độ hiểu biết của người bệnh về bệnh tiểu đường đang như thế nào?
Người bệnh tiểu đường đầu tiên chúng tôi gặp tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương là cô Ánh, đang ngồi chờ tới lượt khám của mình. Cô rất là cởi mở, sẵn sàng chia sẻ với chúng tôi.
Theo như cô Ánh chia sẻ, cô đến khám định kỳ hằng tháng, chủ yếu đến bác sĩ kiểm tra quá trình trong 1 tháng của cô ra sao, có điều gì bất thường xảy ra không, toa thuốc cô đang dùng liệu có đang hiệu quả hay không, nếu không thì bác sĩ sẽ làm thêm các xét nghiệm để quyết định xem có điều chỉnh toa thuốc cho phù hợp hơn.
Phần lớn người bệnh khi mới được chẩn đoán mắc bệnh đều lo sợ, nên tự tìm hiểu khá kĩ về căn bệnh này thông qua các hội nhóm hoặc câu lạc bộ dành cho người bệnh tiểu đường tại bệnh viện hoặc gần nơi ở. Nên đa số người bệnh được khảo sát đều có kiến thức khá tốt về căn bệnh này cũng như việc theo dõi và điều trị bệnh.
Phần lớn bệnh nhân sẽ thực hiện đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, khi nào nên đo và khi nào nên dùng thuốc và được hướng dẫn cách xử lí trong tình huống khẩn cấp. Nhưng cũng có một số bệnh nhân do muốn tiết kiệm chi phí, cũng như là khá thờ ơ với sự nguy hiểm của căn bệnh này nên thường tự ý điều chỉnh thuốc, uống thêm liều thuốc hoặc áp dụng các phương thuốc dân gian để làm hạ đường huyết mà không có chỉ định cũng như lời khuyên của bác sĩ.
Xem thêm: Các loại bệnh đái tháo đường bạn có thể gặp
2. Chúng tôi nhận thấy có một sự không hiểu lẫn nhau giữa bệnh nhân và bác sĩ
Bệnh nhân thường hay quên hoặc không đo đường huyết theo đúng lời khuyên của bác sĩ. Những lần đường huyết bất thường người bệnh cũng không đo và không ghi chú lại những bất thường đó làm cho việc chẩn đoán mỗi lần thăm khám định kỳ với bác sĩ trở nên khó khăn.
Nguyên nhân được người bệnh đưa ra cho việc họ không đo thường xuyên là do lấy máu nhiều rất đau, và sợ lấy máu, hoặc do công việc bận rộn nên họ cũng quên mất. Ngoài ra, nhiều người bệnh khá thờ ơ, không hiểu được tầm quan trọng của việc ghi lại chỉ số đường huyết bất thường đó của họ.
Đặc biệt là những bệnh nhân đã ổn định đường huyết, cảm thấy trong người khỏe hơn rồi nên khá ỷ y không theo dõi đường huyết nhiều như trước, dẫn đến việc đang từ trạng thái ổn định chuyển sang trạng thái đường huyết bất ổn khi nào không biết.
Đồng thời, các bác sĩ chia sẻ: “Người bệnh thường đến gần ngày đi khám hoặc trước ngày đi khám mới đo. Và những chỉ số được đo trong quá trình điều trị thường bệnh nhân không ghi chú lại, không cho biết thời điểm đo cũng như là những thay dổi trong thực đơn hàng ngày của họ, nên thường các chỉ số bệnh nhân đưa cho bác sĩ không chính xác và không giúp ích cho việc kết luận điều trị”.
Bệnh nhân thì nghĩ có đo hay ghi chú lại thì bác sĩ cũng không tin kết quả đó. Còn đối với bác sĩ, không phải bác sĩ không tin tưởng người bệnh mà là do những ghi chú kết quả đo thiếu dữ kiện, khó cho bác sĩ có thể quyết định. Và với thời gian thăm khám ngắn ngủi, nên bác sĩ thường không có cơ hội để giải thích hết với tất cả người bệnh. Dần dà, bác sĩ cũng không trông đợi gì nhiều ở việc theo dõi đường huyết tại nhà của bệnh nhân mà sẽ dựa trên kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân.
Trên thực tế thì bác sĩ rất cần biết những thay đổi hoặc bất thường đó trong quá trình theo dõi bệnh tại nhà của bệnh nhân, để có thể biết được liệu pháp điều trị đó có phù hợp với bệnh nhân không, để đưa ra lời khuyên cho việc ăn uống, luyện tập hợp lý và mong muốn giúp bệnh nhân tránh được những cơn hạ đường huyết nguy hiểm trong đêm.
Chính sự hiểu nhầm âm thầm này làm cho việc tuân thủ của bệnh nhân không còn quá coi trọng, cũng như sự mong đợi từ bác sĩ không còn quá cao đối với bệnh nhân.
3. Những hiểu nhầm chủ quan của người bệnh có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe
Người bệnh thường chủ quan không theo dõi đường huyết thường xuyên, và khi biến chứng bắt đầu xuất hiện thì không phát hiện ra, đến khi tiến triển nặng thì ngoài việc phải sống chung với bệnh còn phải sống chung với biến chứng
Ở xa nên ít đi tái khám (vì khá tốn kém và không thuận tiện) nên thường lấy toa thuốc cũ ra hiệu thuốc gần nhà mua y chang đơn cũ về uống, khi nào bất ổn thì mới đi khám lại
Dùng thuốc dân gian của người dân tộc uống để hạ đường huyết cấp
Chỉ đo khi thấy bất thường không theo lịch của bác sĩ. Hoặc thấy bất thường cũng không đo, vì tự biết là đường tăng cao rồi giờ tìm cách xử lý cho hạ đường xuống thôi, và cũng không ghi chú lại.
4. Những lo lắng, băn khoăn của người bệnh khi phải điều trị bệnh lâu dài là gì?
Lấy máu nhiều lần trong ngày, gây đau và người bệnh vô tình tạo nên 1 cảm giác lo sợ mỗi lần lấy máu đo
Người bệnh lớn tuổi thị lực ngày càng kém, thường phải lọ mọ ghi chép kết quả đo rất cực, đôi khi ghi xong rồi còn không nhớ mình đã để tờ giấy đó ở đâu, làm cho việc ghi chép trước đó trở thành công cốc
Người bệnh biết về khoảng bình thường nhưng không biết khoảng bất thường có ảnh hưởng gì và nếu đo ra kết quả cao thì phải làm sao, nếu quá cao hoặc quá thấp thì họ biết là nên đến bệnh viện ngay lập tức, nhưng nhiều bệnh nhân do muốn tiết kiệm chi phí nên thường tự xử lý các trường hợp đó tại nhà theo các cách được người này người kia chỉ, mà hoàn toàn không có cơ sở hoặc không đúng theo chỉ định của bác sĩ
Ngoài ra, bệnh tiểu đường cũng là căn bệnh mà khi mắc phải là sống với nó đến hết đời, nên việc mắc bệnh ở độ tuổi càng sớm thì đó càng là tạo áp lực về tinh thần cũng như gánh nặng về chi phí suốt đời
5. Kết luận
Qua những điều đã khám phá ra được từ việc khảo sát người bệnh cũng như các bác sĩ, FMC luôn trăn trở, và tìm ra hướng đi cho mình. Với câu hỏi là làm thế nào để có thể giúp người bệnh có thể điều trị và chăm sóc bản thân tốt hơn trên hành trình đối chọi với căn bệnh tiểu đường dai dẳng này. Đồng thời cũng muốn tìm ra cách giúp sự trao đổi giữa bệnh nhân và bác sĩ được tốt hơn, làm việc điều trị hiệu quả hơn
Bài viết tham khảo nguồn: Tài liệu phỏng vấn bệnh nhân tiếu đường và bác sĩ nội tiết