Mắc đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường tuýp 2, có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn so với những người không mắc bệnh. Trong bài viết này, FPT Medicare sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và chứng mất trí nhớ, đồng thời đưa ra các biện pháp giúp kiểm soát bệnh để giảm thiểu nguy cơ này.
1. Chứng mất trí nhớ là gì?
Chứng mất trí nhớ (dementia) là một thuật ngữ y học chỉ tình trạng suy giảm nghiêm trọng các chức năng nhận thức, bao gồm trí nhớ, ngôn ngữ, khả năng giải quyết vấn đề và các kỹ năng tư duy khác. Những suy giảm này đủ nghiêm trọng để gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày và khả năng tự lập của người bệnh.
Chứng mất trí không chỉ ảnh hưởng đến tư duy mà còn tác động đến hành vi, cảm xúc và các mối quan hệ xã hội. Trong đó, bệnh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất, chiếm từ 60-80% các trường hợp. Một nguyên nhân phổ biến khác là chứng mất trí do mạch máu, xảy ra khi máu lưu thông đến não bị gián đoạn, thường do tắc nghẽn hoặc xuất huyết mạch máu vi mô.
2. Bệnh tiểu đường và nguy cơ mắc chứng mất trí
Vậy, mắc đái tháo đường có gây mất trí nhớ không? Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng bệnh tiểu đường tuýp 2 là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với chứng mất trí. Một phân tích tổng hợp cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn 73% so với những người không mắc bệnh.
Một nghiên cứu gần đây ở Hoa Kỳ đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa tiền tiểu đường và nguy cơ mắc chứng mất trí. Cụ thể, những người bị tiền tiểu đường có nguy cơ mắc chứng mất trí cao hơn đáng kể so với người bình thường. Sự tiến triển của tiền tiểu đường thành bệnh tiểu đường càng làm tăng khả năng mắc bệnh này. Tuy nhiên, nguy cơ này lại có sự khác biệt tùy thuộc vào độ tuổi khởi phát bệnh. Bệnh tiểu đường được chẩn đoán ở tuổi trẻ có liên quan chặt chẽ hơn với nguy cơ mắc chứng mất trí so với những trường hợp bệnh khởi phát ở tuổi già. Cụ thể hơn, nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường từ độ tuổi dưới 60 có nguy cơ mắc chứng mất trí cao hơn so với những người khởi phát bệnh sau 80 tuổi. Một phát hiện tương tự cũng được công bố trong một nghiên cứu kép dài 3 thập kỉ trên 10,000 người ở Vương quốc Anh.
Ngoài ra, những bệnh nhân tiểu đường không kiểm soát tốt đường huyết hoặc có các biến chứng tim mạch đi kèm cũng có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao gấp đôi so với những người kiểm soát bệnh tốt.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng bệnh tiểu đường chỉ là một trong số các yếu tố nguy cơ của chứng mất trí và không có nghĩa là tất cả những người mắc bệnh tiểu đường sẽ mắc chứng mất trí nhớ.
3. Giải thích liên quan giữa bệnh tiểu đường và chứng mất trí
Mắc đái tháo đường có gây mất trí nhớ là do một số yếu tố sau:
3.1. Kháng insulin và rối loạn chuyển hóa ở não
Insulin không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh lượng đường trong máu mà còn tham gia vào các chức năng trí nhớ. Não bộ có nhiều thụ thể insulin, đặc biệt ở những vùng quan trọng đối với trí nhớ và học tập như hồi hải mã, hạch hạnh nhân và đồi thị.
Kháng insulin, một đặc điểm chính của bệnh tiểu đường tuýp 2, có thể làm giảm tín hiệu insulin trong não và hạn chế khả năng sử dụng glucose của các tế bào não. Điều này dẫn đến rối loạn chuyển hóa năng lượng trong não, góp phần vào sự suy giảm nhận thức và tăng nguy cơ mắc chứng mất trí.
3.2. Rối loạn chức năng vi mạch
Bệnh tiểu đường thường đi kèm với các rối loạn chức năng mạch máu nhỏ (vi mạch), gây ra phản ứng viêm, căng thẳng oxy hóa và thay đổi lưu lượng máu não. Những yếu tố này có thể dẫn đến tổn thương não và làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí, đặc biệt là chứng mất trí do mạch máu.
3.3. Tác động của tăng và hạ đường huyết
Tăng đường huyết kéo dài có thể gây tổn thương thần kinh, độc tính tế bào thần kinh do glucose và tích tụ các sản phẩm glycat hóa bền vững (AGE), làm suy giảm chức năng não. Ngược lại, các đợt hạ đường huyết lặp đi lặp lại cũng có thể gây tổn thương cấu trúc não, đặc biệt là ở vùng hồi hải mã và vỏ não – những khu vực liên quan trực tiếp đến trí nhớ và học tập.
4. Lợi ích của việc phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tiểu đường
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng độ tuổi khởi phát bệnh tiểu đường trẻ hơn liên quan đáng kể đến nguy cơ mắc chứng mất trí sau này. Do đó, phát hiện sớm tiểu đường, giảm các yếu tố nguy cơ và can thiệp kịp thời có thể mang lại lợi ích lâu dài trong việc phòng ngừa suy giảm trí nhớ.
Tin tốt là bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, kiểm soát tốt đường huyết, và những biến chứng, bao gồm cả chứng mất trí nhớ thông qua những thay đổi trong lối sống. Những người kiểm soát tốt lượng đường trong máu, duy trì lối sống và chế độ ăn lành mạnh, đồng thời tuân thủ điều trị các bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, mỡ máu cao, có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc các biến chứng.
Kết luận
Tóm lại, mắc đái tháo đường có gây mất trí nhớ là một nguy cơ cần được quan tâm. Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường tuýp 2 và chứng mất trí là một vấn đề phức tạp, bao gồm nhiều yếu tố sinh học, lối sống và bệnh lý đi kèm. Tuy nhiên, thông qua việc quản lý tốt bệnh tiểu đường và duy trì lối sống lành mạnh, chúng ta có thể giảm nguy cơ mắc chứng mất trí và bảo vệ sức khỏe não bộ.
Để góp phần vào sứ mệnh cá nhân hóa việc kiểm soát đường huyết hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân tiểu đường, FPT MediCare đang tiên phong trong phát triển công nghệ theo dõi đường huyết, trong đó có máy đo đường huyết liên tục 3P. Thiết bị này giúp bạn theo dõi đường huyết liên tục trong 14 ngày và hiển thị trực quan trên ứng dụng, cho phép người dùng nắm bắt chi tiết biến động đường huyết, từ đó cá nhân hóa chế độ ăn uống và tập luyện. Ngoài ra, tính năng cảnh báo thông minh, chia sẻ dữ liệu với người thân và bác sĩ, cùng công nghệ bảo mật cao đảm bảo an toàn thông tin và tăng cường sự an tâm. Máy đo đường huyết 3P mang đến cuộc sống tự do, tận hưởng khoảnh khắc và làm chủ sức khỏe mỗi ngày. Để tìm hiểu thêm về máy đo đường huyết liên tục 3P, bạn có thể tham khảo thêm sản phẩm hoặc các bài viết khác tại website fptmedicare.vn.
Bài viết tham khảo nguồn:
https://www.alz.org/alzheimers-dementia/what-is-dementia
https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC5111529
https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC4020261
https://jamanetwork.com/journals/jama/fullarticle/2779197
https://alz-journals.onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/alz.12482
https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC5111529
https://dmsjournal.biomedcentral.com/articles/10.1186/s13098-022-00799-9