
Đái tháo đường – Vấn đề y tế cấp bách mang tính toàn cầu
Theo số liệu của Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2021, có tới 537 triệu người trong độ tuổi từ 20-70 mắc tiểu đường. Dự kiến, con số này sẽ tăng lên 643 triệu vào năm 2030 và đến năm 2045, có thể đạt mốc 783 triệu người. Với sự gia tăng này, bệnh đái tháo đường không chỉ là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại của mỗi cá nhân mà còn là gánh nặng của toàn bộ hệ thống y tế quốc gia.
Ở Việt Nam, tình hình càng trở nên lo ngại khi cũng trong năm 2021, Bộ Y tế ghi nhận khoảng 7,1% người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường, tức gần 5 triệu người. Tỷ lệ bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 2 chiếm hơn 90%, và đáng chú ý là nhiều người sống “chung” với căn bệnh này mà không hề hay biết, đến khi được chẩn đoán, họ thường đã bắt đầu xuất hiện các biến chứng nguy hiểm của bệnh như biến chứng trên mắt, thận, tim mạch, thần kinh,… gây ảnh hưởng xấu đến việc điều trị bệnh sau này.
Xem thêm bài viết: Làm chủ bệnh đái tháo đường: Lợi ích không ngờ từ báo cáo đường huyết
Đái tháo đường đặt ra gánh nặng kinh tế rất lớn đối với Việt Nam – Toàn dân cần chủ động ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.
Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), các chi phí liên quan đến bệnh tiểu đường tại Việt Nam ước tính lên đến hơn 1670 triệu USD (tương ứng hơn 40,62 nghìn tỷ) vào năm 2021, và dự kiến sẽ tăng lên đến hơn 50,7 nghìn tỷ vào năm 2030. Những chi phí này tạo áp lực không nhỏ lên ngân sách y tế quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn lực y tế đang hạn chế và dân số già hóa.
Để giảm nhẹ gánh nặng của Đái tháo đường, Bộ Y tế và các cơ quan ban ngành đã nỗ lực rất nhiều trong việc tuyên truyền và giáo dục cộng đồng về nguy cơ và cách ứng phó với bệnh. Một trong những ví dụ gần đây là chương trình “Thắp sáng xanh lam” được tổ chức nhằm hưởng ứng ngày phòng chống đái tháo đường thế giới năm 2023, với thông điệp “Hiểu nguy cơ, Biết hành động”.
Thông qua các hoạt động cho hội nghị lần này, đại diện Bộ Y tế cũng gửi gắm thông điệp mong muốn người dân chủ động hơn trong viêc chăm sóc và theo dõi sức khỏe của bản thân:
“Sự gia tăng của bệnh đái tháo đường trên toàn thế giới vẫn tiếp tục, nhưng chúng ta có bổn phận phải hành động để ngăn chặn sự phát triển của bệnh” – Trích lời TS.BS. Vương Ánh Dương – Phó Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế Việt Nam.
Theo dõi FPT Medicare để hiểu rõ hơn về bệnh đái tháo đường và cách phòng ngừa từ ngay hôm nay nhé!