Công nghệ theo dõi đường huyết liên tục mang đến một giải pháp đột phá. Nó giúp bệnh nhân đái tháo đường quản lý đường huyết một cách dễ dàng, không gây đau đớn và kiểm soát toàn diện hơn. Từ đó mở ra cánh cửa với một cuộc sống thoải mái và tự chủ cho những ai đang sống chung với căn bệnh này.
1. Nhu cầu và lịch sử phát triển của máy đo đường huyết cá nhân
Việc quản lý đường huyết đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều trị và kiểm soát đái tháo đường – một căn bệnh ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới.
Từ khi bệnh đái tháo đường được phát hiện, đã có nhu cầu khẩn thiết trong việc phát triển các công cụ giúp bệnh nhân tự theo dõi và quản lý đường huyết của mình. Ban đầu, các thiết bị đơn giản chỉ đo được lượng đường huyết tại thời điểm chích máu. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, các giải pháp theo dõi liên tục đã ra đời và ngày càng hoàn thiện với độ chính xác cao mà không gây đau. Mở ra cơ hội quản lý đường huyết toàn diện hơn cho người bệnh.
Kiểm soát đường huyết rất quan trọng trong việc điều trị bệnh đái tháo đường
Lịch sử phát triển máy đo đường huyết liên tục (CGM) đã trải qua một quá trình dài. Bắt đầu từ năm 1999 với sự ra đời của hệ thống MiniMed CGMS® được FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) phê duyệt. Sau đó, nhiều thiết bị khác như GlucoWatch Biographer (2001), Medtronic Guardian (2004), và Dexcom STS (2006) cũng lần lượt xuất hiện, góp phần không nhỏ vào việc cải thiện phương pháp quản lý bệnh tiểu đường. Năm 2019, với sự ra mắt của các hệ thống Freestyle Libre 2 và Dexcom G6, công nghệ CGM đã đạt đến một mức độ chính xác và dễ sử dụng đáng kinh ngạc.
Về cơ chế, công nghệ CGM đo lượng đường trong dịch mô kẽ (là lớp dịch giữa các tế bào). Có 2 loại hệ thống CGM:
- CGM đo liên tục theo thời gian thực (rtCGM): Cung cấp dữ liệu đường huyết liên tục, cập nhật theo thời gian thực, giúp người dùng theo dõi và điều chỉnh đường huyết ngay lập tức. Các thiết bị rtCGM phổ biến trên thị trường: Dexcom G6, Dexcom G7, Medtronic Guardian Connect, Eversense E3…
- CGM quét ngắt quãng (isCGM, hay còn gọi là FGM): Không tự động cung cấp dữ liệu liên tục, người dùng cần phải quét cảm biến để nhận thông tin đường huyết theo nhu cầu. Thiết bị isCGM phổ biến trên thị trường: FreeStyle Libre 1, 2 và 3.
2. Ước mơ làm chủ đường huyết liên tục đã thành hiện thực
Sau mỗi bữa ăn, đường (glucose) từ thức ăn được hấp thụ vào máu và di chuyển đến các khoảng không giữa các tế bào – được gọi là mô kẽ. Từ đây, glucose đi vào tế bào để sử dụng và lưu trữ. Đặc biệt, một phần lớn đường được dự trữ tại gan để cơ thể sử dụng khi cần thiết.
Hình minh hoạ sự di chuyển của đường (glucose) từ mạch máu đến mô kẽ
Việc nhận biết mối tương quan giữa đường trong máu và đường trong mô kẽ đã tạo ra cơ hội, và bước nhảy vọt trong việc ghi nhận đường huyết một cách liên tục mà không cần phải can thiệp vào mạch máu.
Glucose di chuyển từ máu vào dịch mô kẽ, vì vậy kết quả đo đường huyết và đường trong mô kẽ gần bằng nhau. Tương tự như một đoàn tàu lượn, glucose máu thường thay đổi trước rồi glucose trong mô kẽ mới theo sau. Do đó, khi đường huyết tăng hoặc giảm nhanh, ví dụ như sau khi ăn hoặc tập thể dục, sự chênh lệch giữa 2 giá trị glucose này có thể lớn hơn. Tuy nhiên, việc theo dõi xu hướng của lượng đường trong cơ thể quan trọng hơn là so sánh từng giá trị glucose riêng lẻ.
Một minh chứng rõ ràng về tính hữu ích của CGM chính là khả năng nắm bắt những thay đổi nhanh chóng của đường huyết. Lượng đường trong cơ thể luôn thay đổi, nhất là ở người mắc đái tháo đường. Đường huyết có thể tăng vọt ngay sau khi ăn, hoặc giảm đột ngột khi vận động mạnh. CGM cho phép người dùng nhận diện những xu hướng này một cách dễ dàng và chính xác. Từ đó giúp bạn kịp thời điều chỉnh để tránh hoặc giảm thiểu những tình huống nguy hiểm. Khi đeo, CGM luôn bật và ghi lại mức đường huyết – cho dù bạn đang tắm, làm việc, tập thể dục hay đang ngủ.
3. Giải pháp theo dõi đường huyết liên tục không đau
Với mong muốn cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân tiểu đường, các công ty công nghệ đã không ngừng nghiên cứu và phát triển những thiết bị theo dõi đường huyết không đau và dễ sử dụng. Hệ thống CGM hiện đại bao gồm ba thành phần chính: cảm biến (sensor), bộ truyền dữ liệu (transmitter), thiết bị nhận và hiển thị kết quả đường huyết.
Các thành phần của hệ thống theo dõi đường huyết liên tục
Cảm biến (Sensor)
Đây là thành phần cốt lõi của hệ thống CGM. Cảm biến là một đầu dò rất nhỏ được đặt dưới da, thường ở cánh tay hoặc vùng bụng. Tại đây, nó sẽ “đọc” nồng độ đường trong dịch mô kẽ. Quá trình này diễn ra hoàn toàn tự động và không yêu cầu bệnh nhân phải can thiệp thủ công. Việc gắn cảm biến lên cơ thể là một quy trình đơn giản mà bệnh nhân có thể tự thực hiện tại nhà, tương tự như cách “bấm lỗ tai trẻ em”.
Cảm biến được thiết kế để tồn tại trong cơ thể từ 7 đến 14 ngày mà không gây ra sự khó chịu đáng kể. Mặc dù một số người có thể cảm thấy một chút kích ứng, nhưng điều này không phải là trở ngại lớn. Công nghệ này đã được tối ưu hóa để tương thích với cơ thể con người, giúp giảm thiểu đau đớn và nguy hiểm khi sử dụng lâu dài.
Hình minh hoạ cấu trúc dưới da và vị trí của cảm biến CGM
Thiết bị truyền dữ liệu (Transmitter)
Bộ phận này thường nằm ngay trên cảm biến. Nó có nhiệm vụ gửi thông tin về lượng đường trong cơ thể từ cảm biến đến thiết bị nhận kết quả. Thông qua kết nối không dây, dữ liệu đường huyết được truyền liên tục để người dùng có thể dễ dàng theo dõi trên ứng dụng hoặc thiết bị chuyên dụng (như là đầu đọc).
Một số thiết bị truyền tín hiệu được tích hợp sẵn với cảm biến. Chúng chỉ sử dụng một lần và không thể tái sử dụng. Ngược lại, một số thiết bị khác được thiết kế tách rời với cảm biến. Những thiết bị này có thể tháo lắp dễ dàng và sử dụng nhiều lần.
Thiết bị nhận và hiển thị kết quả đường huyết
Thiết bị thu nhận và hiển thị kết quả đường huyết có thể là: đầu đọc (reader) đối với isCGM, hoặc điện thoại hay đồng hồ thông minh có cài đặt ứng dụng kết nối với rtCGM.
Các thiết bị CGM có kết nối với ứng dụng thường mang những tính năng đặc biệt sau:
- Ghi nhận và theo dõi thông tin về thực phẩm, hoạt động thể chất và các loại thuốc bạn sử dụng. Khi kết hợp với dữ liệu đường huyết, bạn có thể xác định rõ điều gì khiến đường huyết tăng, giảm hoặc không bị ảnh hưởng.
- Cho phép tải dữ liệu về máy tính hoặc thiết bị thông minh, giúp bạn dễ dàng theo dõi các xu hướng biến đổi của đường huyết.
- Cung cấp cảnh báo khi mức đường huyết quá thấp hoặc quá cao, giúp bạn phòng tránh các tình huống khẩn cấp.
Hình minh hoạ ứng dụng kết nối với thiết bị theo dõi đường huyết liên tục
4. Cơ chế hoạt động của CGM
Hệ thống CGM hoạt động dựa trên một cảm biến nhỏ được gắn dưới da để đo lượng đường trong dịch kẽ (chất lỏng xung quanh các tế bào). Cảm biến này được phủ một loại enzyme gọi là glucose oxidase (GOD). Khi enzyme này tiếp xúc với glucose trong dịch kẽ, nó tạo ra một tín hiệu đặc biệt. Bộ truyền dữ liệu sẽ ghi lại tín hiệu này, khuếch đại và gửi đến ứng dụng trên điện thoại hoặc thiết bị đọc của bệnh nhân.
Khi lượng đường trong máu tăng, nồng độ glucose trong dịch mô kẽ cũng tăng lên. Tín hiệu từ cảm biến sẽ thay đổi theo sự biến động này. Kết quả được ghi nhận đều đặn mỗi 3 phút. Dữ liệu được lưu trữ tại đầu đọc khi quét hoặc tự động trên ứng dụng theo dõi đường huyết liên tục.
Nhờ dữ liệu này, bệnh nhân có thể theo dõi sự thay đổi đường huyết theo thời gian thực. Điều này giúp họ hiểu rõ hơn về cách mà thức ăn, hoạt động thể chất và thuốc ảnh hưởng đến đường huyết. Từ đó điều chỉnh lối sống để giữ đường huyết ổn định. Hơn nữa, bệnh nhân có thể chia sẻ dữ liệu với bác sĩ hoặc người thân để nhận được phản hồi và can thiệp kịp thời, giúp quản lý bệnh hiệu quả hơn.
5. Tổng kết
Tóm lại, công nghệ theo dõi đường huyết liên tục (CGM) đã thực sự mang lại một cuộc cách mạng trong việc quản lý bệnh đái tháo đường. Không chỉ giúp bệnh nhân dễ dàng theo dõi mức đường huyết liên tục mà không cần phải lấy máu, CGM còn giúp phát hiện những biến động phức tạp, cung cấp thông tin giá trị để bệnh nhân và bác sĩ có thể điều chỉnh phương pháp điều trị một cách tối ưu.
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, các thiết bị CGM ngày càng chính xác, nhỏ gọn, thời trang và dễ sử dụng. Mang lại cuộc sống thoải mái hơn cho những người sống chung với bệnh tiểu đường.
Việc nắm bắt xu hướng mới này trong điều trị đái tháo đường không chỉ mang lại lợi ích cho người bệnh mà còn đóng góp lớn vào sự phát triển của ngành y tế hiện đại, với mục tiêu cuối cùng là cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân. Trong tương lai, công nghệ này chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển, hứa hẹn mang lại nhiều tiện ích và sự đổi mới hơn nữa.
FPT Medicare tự hào là đơn vị tiên phong cung cấp giải pháp kiểm soát đường huyết liên tục đầu tiên tại Việt Nam, giúp hàng ngàn bệnh nhân đái tháo đường khỏe mạnh hơn và tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn!