Bệnh tiểu đường tuýp 1 là một bệnh tự miễn phức tạp, thường phát triển ở trẻ em và thanh thiếu niên. Mặc dù di truyền đóng vai trò quan trọng, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng dinh dưỡng sớm trong những năm đầu đời cũng góp phần không nhỏ vào nguy cơ phát triển bệnh. Những yếu tố như việc bú mẹ, thời điểm ăn dặm, và loại thực phẩm tiêu thụ trong giai đoạn đầu đời có thể ảnh hưởng đến nguy cơ này. Hiểu rõ mối quan hệ giữa dinh dưỡng và tiểu đường tuýp 1 sẽ giúp xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, giảm thiểu nguy cơ bệnh và bảo vệ sức khỏe lâu dài cho trẻ.
Ngắn gọn về bệnh tiểu đường tuýp 1
Bệnh tiểu đường tuýp 1 là một bệnh tự miễn phức tạp, xảy ra do hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các tế bào beta trong tuyến tụy, làm mất khả năng sản xuất insulin. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em và thanh thiếu niên, với hơn 85% các trường hợp được chẩn đoán trước 20 tuổi.
Các yếu tố nguy cơ chính
Khuynh hướng di truyền là một trong những yếu tố nguy cơ chính của bệnh tiểu đường tuýp 1. Người có tiền sử gia đình mắc các bệnh tự miễn, như bệnh tiểu đường tuýp 1, bệnh tuyến giáp, hoặc bệnh celiac (hay còn gọi là bệnh không dung nạp gluten – không cho cơ thể hấp thu các thực phẩm có chứa gluten) có nguy cơ cao hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ em có nguy cơ di truyền đều phát triển bệnh; chỉ khoảng 5% trẻ thuộc nhóm này mắc bệnh. Điều này cho thấy các tác nhân môi trường khác đóng vai trò “kích hoạt” nguy cơ tiềm ẩn này để phát triển thành bệnh tiểu đường tuýp 1. Các yếu tố môi trường như nhiễm virus (ví dụ enterovirus), béo phì, căng thẳng, thiếu vận động, thiếu vitamin D, và chế độ ăn giàu gluten hoặc thực phẩm có chỉ số đường huyết cao đều được xác định là nguy cơ thúc đẩy sự phát triển của bệnh.
- Vai trò của dinh dưỡng
Mặc dù yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng, nhiều nghiên cứu cho thấy yếu tố môi trường, đặc biệt là chế độ dinh dưỡng trong những năm đầu đời, cũng góp phần quan trọng trong sự phát triển của bệnh.
Một nghiên cứu tổng quan năm 2020 đã xem xét vai trò của dinh dưỡng sớm trong nguyên nhân gây bệnh tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em. Kết quả của cho thấy việc ăn dặm quá sớm (đưa trái cây, quả mọng và củ vào chế độ ăn từ 3 đến 4 tháng tuổi) có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tự miễn. Việc cho trẻ uống sữa bò trước 12 tháng tuổi có thể tăng nguy cơ dị ứng và mắc bệnh tự miễn dịch, có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường tuýp 1.
Ngoài ra, việc đưa gluten vào chế độ ăn của trẻ trước 4 tháng có thể liên quan đến sự phát triển của bệnh celiac và bệnh tiểu đường tuýp 1. Gluten, một loại protein trong lúa mì, yến mạch, và các loại ngũ cốc khác, có thể gây kích hoạt miễn dịch liên tục, dẫn đến rối loạn tự miễn. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy gluten có khả năng làm rối loạn cân bằng hệ miễn dịch, góp phần vào sự phát triển của tiểu đường tuýp 1.
Do đó, các nhà nghiên cứu khuyến khích cho con bú trong thời gian dài ít nhất 6 tháng đầu đời và tránh cho trẻ ăn dặm sớm và ăn gluten (trước 4 tháng tuổi) cũng như tránh cho trẻ uống sữa bò trước 12 tháng tuổi.
Một nghiên cứu được công bố mới đây (tháng 11/2024) đã theo dõi chế độ ăn và sức khỏe của các bé từ khi 3 tháng đến 6 tuổi, để xác định mối liên hệ giữa việc tiêu thụ nhiều loại thực phẩm khác nhau và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1. Nghiên cứu được thực hiện trên hơn 5.000 trẻ em ở Phần Lan có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 về mặt di truyền. Kết quả cho thấy:
- Một số thực phẩm làm tăng nguy cơ: Yến mạch, chuối, lúa mạch đen, ngũ cốc chứa gluten và một số trái cây có liên quan đến nguy cơ phát triển kháng thể tự miễn tấn công tuyến tụy và bệnh tiểu đường tuýp 1.
- Các thực phẩm làm giảm nguy cơ: Rau họ cải (như bông cải xanh, súp lơ, bắp cải, cải xoăn, …) và quả mọng có tác dụng giảm nguy cơ mắc một số tình trạng liên quan đến bệnh.
Các phát hiện này tương đồng với các nghiên cứu trước đó, khẳng định mối liên hệ giữa chế độ ăn và nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, việc loại bỏ hoàn toàn các thực phẩm nguy cơ khỏi chế độ ăn của trẻ là không cần thiết, vì có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng.
- Sữa mẹ và vai trò bảo vệ sớm
Nuôi con bằng sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị là biện pháp dinh dưỡng hiệu quả. Sữa mẹ chứa nhiều chất dinh dưỡng và hoạt chất sinh học giúp tăng cường hệ miễn dịch, điều chỉnh sự phát triển của hệ vi sinh vật đường ruột, và hạn chế sự xâm nhập của kháng nguyên bên ngoài.
Một nghiên cứu trên hơn 155.000 trẻ ở Đan Mạch và Na Uy chỉ ra rằng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 1 tăng gấp đôi ở trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ. Việc bú mẹ kéo dài làm giảm nguy cơ mắc bệnh tự miễn, hỗ trợ phát triển cân bằng hệ miễn dịch.
- Những lưu ý quan trọng về ăn dặm
Việc ăn dặm nên bắt đầu từ 6 tháng tuổi để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng gia tăng của trẻ vì chỉ riêng sữa mẹ là không đủ để đảm bảo mức tiêu thụ năng lượng và phát triển của trẻ. Có thể cho trẻ ăn bất kỳ loại thức ăn nào bằng cách tăng dần độ đặc và đa dạng. Tuy nhiên, đối với các trẻ có nguy cơ di truyền về bệnh tiểu đường tuýp 1, cần tránh cho trẻ tiêu thụ sữa bò trước 12 tháng tuổi và bổ sung thực phẩm chứa gluten quá sớm.
Một chế độ ăn cân bằng, bao gồm rau họ cải và quả mọng, có thể giảm nguy cơ mắc bệnh. Đặc biệt, việc hạn chế thực phẩm giàu đường, muối, và các chất phụ gia không cần thiết trong giai đoạn này cũng quan trọng cho trẻ.
Việc hiểu rõ và áp dụng các nguyên tắc dinh dưỡng phù hợp cho trẻ không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 1 mà còn hỗ trợ phát triển toàn diện và tăng cường sức khỏe lâu dài cho trẻ.
Để góp phần giúp các bệnh nhân tiểu đường thay đổi thói quen ăn uống và vận động phù hợp để kiểm soát tốt bệnh, FPT MediCare đang tiên phong trong việc ứng dụng các công nghệ hiện đại cho mục đích chăm sóc sức khỏe, trong đó có bệnh tiểu đường. Máy đo đường huyết liên tục 3P của FPT MediCare, giúp theo dõi chính xác mức đường huyết 24/7, từ đó giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ thể và các yếu tố ảnh hưởng đến đường huyết của mình. Nhờ vậy, bạn có thể điều chỉnh chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và thói quen sinh hoạt một cách hiệu quả. Với máy đo đường huyết liên tục 3P của FPT, việc quản lý bệnh tiểu đường trở nên đơn giản và hiệu quả hơn bao giờ hết. Để hiểu hơn về lợi ích của thiết bị này, bạn có thế tham khảo thêm sản phẩm và các bài viết khác trên trang web https://web.fptmedicare.vn/.
Bài viết tham khảo nguồn:
https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC7785819
https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0022316624010356