1. Hematocrit là gì? Bao nhiêu là bình thường?
Mức hematocrit (viết tắt là HCT) có thể hiểu đơn giản là tỷ lệ phần trăm tế bào hồng cầu có trong máu của bạn.
Theo hội chữ thập đỏ Hoa Kỳ, đối với người trưởng thành, mức bình thường ở nam giới dao động từ 41%-50%. Ở nữ giới, phạm vi bình thường thấp hơn một chút khoảng 36%-44%. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể thay đổi tùy thuộc vào yếu tố như giới tính, tuổi, và tình trạng sức khỏe.
Mức hematocrit dưới mức bình thường, nghĩa là người đó có quá ít tế bào hồng cầu, được gọi là thiếu máu. Mức hematocrit trên mức bình thường, nghĩa là có quá nhiều tế bào hồng cầu, có thể chỉ ra bệnh đa hồng cầu hoặc bệnh tăng sinh hồng cầu.
2. Tại sao cần phải quan tâm khoảng HCT khi mua máy đo đường huyết?
Máy đo đường huyết thường sử dụng mẫu máu từ ngón tay để đo lường đường huyết. Nồng độ hematocrit có thể ảnh hưởng đến độ nhớt của máu, làm thay đổi đặc tính dẫn điện của máu, và từ đó ảnh hưởng đến kết quả đo đường huyết.

Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng các giá trị hematocrit khác nhau có thể ảnh hưởng đến kết quả đo đường huyết. Nếu nồng độ hematocrit tăng, máy đo có thể đưa ra kết quả đường huyết thấp hơn so với thực tế. Ngược lại, nếu nồng độ hematocrit giảm, kết quả đo có thể cao hơn so với mức đường huyết thực tế.

Do đó, có thể gây ra kết quả đường huyết sai lệch, khiến người bệnh tự theo dõi tại nhà có thể đưa ra những hành động xử lí tình huống sai hướng.
Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người có tình trạng hematocrit thấp hoặc cao, chẳng hạn như người dùng máy thải máu, người bị suy dinh dưỡng, hay người bị chảy máu nhiều.
Nếu bạn có mức độ hematocrit thay đổi đáng kể (ví dụ, do điều trị y tế như hóa trị, thiếu máu, hay bệnh lý máu), bạn nên thảo luận với bác sĩ để đảm bảo rằng máy đo đường huyết của bạn có thể cung cấp kết quả chính xác và theo dõi sự biến động của nồng độ đường huyết một cách chính xác nhất.
3. Một số máy đo đường huyết có thể tự hiểu chỉnh kết quả dựa trên nồng độ HCT
Một số máy đo đường huyết được thiết kế để tự động điều chỉnh kết quả dựa trên nồng độ hematocrit, nhưng không phải tất cả đều có tính năng này. Do đó, quan trọng khi sử dụng máy đo đường huyết là đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của thiết bị và hiểu rõ về các yếu tố có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả.
Theo tiêu chuẩn ISO 15197:2013, có yêu cầu các tiêu chí nhằm hạn chế ảnh hưởng của các mức hematocrit khác nhau lên máy đo đường huyết. Cụ thể ảnh hưởng của tỉ lệ hồng cầu (HCT) là chấp nhận được nếu sự chênh lệch trung bình giữa mẫu thử ở các mức HCT khác nhau và mẫu kiểm soát tương ứng với giá trị HCT là 42% ± 2% là ít hơn (hoặc bằng) 10 mg/dL đối với nồng độ đường huyết (BG) dưới 100 mg/dL và ít hơn 10% đối với nồng độ đường huyết (BG) trên 100 mg/dL. Ảnh hưởng của HCT sẽ được mô tả trong hướng dẫn sử dụng nếu hệ thống vượt quá các tiêu chí này.

Do đó, tùy thuộc vào công nghệ và phương pháp điều chỉnh, nhà sản xuất sẽ đưa ra một khoảng nồng độ hematocrit cụ thể (khoảng %HCT cho phép) để đảm bảo tính chính xác của kết quả đo và thường được ghi trên hướng dẫn sử dụng hoặc trong thông số kỹ thuật của sản phẩm.
4. Làm thế nào để kiểm tra được máy đo có sự hiểu chỉnh HCT hay không?
Để đảm bảo rằng sản phẩm máy đo đường huyết bạn sử dụng có thể cung cấp kết quả chính xác trong điều kiện biến động của HCT, bạn có thể thực hiện các bước sau:
- Tìm hiểu từ hướng dẫn sử dụng: Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của máy đo đường huyết. Hướng dẫn này thường cung cấp thông tin về cách máy đo xử lý sự biến động của HCT và có những tính năng điều chỉnh nào được tích hợp.
- Đối chiếu với tiêu chuẩn và đánh giá: Kiểm tra xem máy đo đường huyết của bạn có tuân theo các tiêu chuẩn chất lượng và đã được đánh giá độ chính xác từ các tổ chức phê duyệt uy tín hay chưa, ví dụ như ISO (Tổ chức tiêu chuẩn hóa Quốc tế) hay FDA (Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ). Hoặc các tổ chức tương đương tại Việt Nam như BYT (Bộ Y tế Việt Nam)
Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về độ chính xác của máy đo đường huyết, hãy thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia y tế của bạn. Họ có thể cung cấp thông tin và tư vấn chính xác nhất về lựa chọn và sử dụng máy đo đường huyết.
Kết luận
Để chọn một hệ thống phù hợp, bệnh nhân nên biết rằng có sự khác nhau trong phạm vi hematocrit được ghi trên nhãn. Ngoài ra, nhà sản xuất phải đảm bảo rằng phạm vi hematocrit ghi trên nhãn hệ thống của họ là chính xác. Bạn có thể kiểm tra thông tin này trên tài liệu hướng dẫn sử dụng
Bài viết tham khảo nguồn:
Nguồn: Ginsberg, Barry H (2009). J diabetes Sci Technol https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2769960/#:~:text=Variation%20in%20hematocrit,high%20hematocrit%20levels.
Nguồn: Hattemer, A., & Wardat, S. (2018). J diabetes Sci Technol https://journals.sagepub.com/doi/10.1177/1932296818757550#:~:text=the%20analytical%20performance,the%20manufacturer%E2%80%99s%20labeling.
https://www.redcrossblood.org/donate-blood/dlp/hematocrit.html