1. Biến chứng bàn chân do tiểu đường là gì?
Biến chứng bàn chân do tiểu đường (hay đái tháo đường) được mô tả ban đầu với các vết loét, nhiễm trùng lâu lành và gây hệ quả lớn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như mạng sống của người bệnh.
Nguyên nhân chính: Do lượng glucose (đường) tích tụ nhiều trong máu của người bệnh đái tháo đường (tiểu đường) trong thời gian dài. Dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm các vấn đề về chân.
Biến chứng bàn chân do tiểu đường ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bằng nhiều cách:
– Đau và mất cảm giác: Bệnh chân đái tháo đường thường gây ra các triệu chứng như đau, ngứa, khó chịu, hoặc mất cảm giác ở chân. Điều này có thể làm giảm khả năng hoạt động hàng ngày và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
– Nguy cơ nhiễm trùng: Do mất cảm giác, bệnh nhân có thể không nhận biết được những vết thương nhỏ hoặc tổn thương ở chân, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng cao.
– Loãng xương và gãy xương: Đái tháo đường cũng có thể gây ra loãng xương, suy giảm sức mạnh của hệ cơ quan vận động, làm tăng nguy cơ té ngã và gãy xương ở chân.
– Nguy cơ cắt cụt chi: Trong trường hợp nặng, bệnh chân tiểu đường có thể dẫn đến sự mất mát lưu thông máu và nhiễm trùng nặng, đôi khi cần phải cắt bỏ phần chân bị ảnh hưởng để cứu sống bệnh nhân. Trên thực tế, việc cắt cụt chi phổ biến hơn gấp 15 lần ở những người mắc bệnh tiểu đường.
– Tâm lý: Những biến chứng của bệnh chân đái tháo đường cũng có thể gây ra mất tự tin, trầm cảm, và cảm giác mất tự do, đều gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.
– Chi phí điều trị: Chi phí cho việc điều trị bệnh chân đái tháo đường và các biến chứng liên quan có thể rất cao, gây áp lực tài chính lên bệnh nhân và gia đình họ.
Vì thế, cần quản lý đái tháo đường một cách hiệu quả để tránh những biến chứng nguy hiểm như bệnh chân đái tháo đường.
Đồng thời, hãy phải kiểm tra bàn chân hằng ngày để phát hiện những thay đổi bất thường và xử lý kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc
2. Làm thế nào để nhận biết biến chứng bàn chân tiểu đường?
Nếu bạn thấy bất kỳ thay đổi nào dưới đây, hãy khẩn trương đến bệnh viện:
– Các dấu hiệu nhiễm trùng:
+ Thay đổi nhiệt độ (trở nên lạnh hoặc nóng), hình dạng, màu sắc bàn chân
+ Nhiễm nấm. Ví dụ bệnh nấm da giữa các ngón chân
+ Đau, đỏ, sưng tấy, nhạy cảm tại vị trí vết thương
+ Mùi hôi phát ra từ vết thương hở
+ Khi nhiễm trùng phát triển, người bệnh có thể bị sốt, ớn lạnh và đổ mồ hôi, xuất hiện các vết loét mới
– Dấu hiệu khác:
+ Đau ở chân hoặc chuột rút ở mông, đùi, bắp chân khi vận động
+ Ngứa ran, nóng rát hoặc đau bàn chân
+ Bàn chân mất xúc giác
+ Rụng lông ở ngón chân, bàn chân và cẳng chân
+ Da chân khô, nứt nẻ
+ Móng chân dày lên, ố vàng
+ Móng chân mọc ngược
+ Vết cắt, phồng rộp hoặc vết bầm tím trên bàn chân lâu lành
+ Vết chai có máu khô bên trong. Đó có thể là dấu hiệu đầu tiên của vết thương dưới vết chai
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến bàn chân của bạn như thế nào?
Biến chứng bàn chân có thể do hai vấn đề sau:
– Bệnh thần kinh đái tháo đường. Bệnh tiểu đường không được kiểm soát có thể làm hỏng dây thần kinh của bạn. Nếu bạn bị tổn thương dây thần kinh ở cẳng chân và bàn chân, bạn có thể bị mất cảm giác: không cảm thấy nóng, lạnh hoặc đau ở đó. Nếu bạn không cảm nhận được vết cắt hoặc đau ở bàn chân, vết cắt có thể trở nên lở loét và bị nhiễm trùng.
Mặc dù hiếm gặp, nhưng tổn thương thần kinh do bệnh tiểu đường có thể dẫn đến những thay đổi về hình dạng bàn chân của bạn, chẳng hạn như bàn chân Charcot.
3. Cách phòng ngừa và điều trị biến chứng bàn chân tiểu đường
3.1. Lời khuyên của chuyên gia để có một đôi chân khỏe mạnh
Giữ lượng đường trong máu của bạn càng gần với ngưỡng của người bình thường càng tốt. Đây là một trong những điều quan trọng nhất để ngăn ngừa tổn thương thần kinh hoặc hạn chế nó trở nên tồi tệ hơn.
Bên cạnh đó, việc chăm sóc bàn chân là rất quan trọng để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Hãy chăm sóc đôi chân của bạn bằng cách làm như sau:
- Rửa chân sạch sẽ hàng ngày
- Lau thật khô và đừng quên các kẽ ngón chân
- Dưỡng ẩm cho bàn chân, tránh thoa lên kẽ ngón vì có thể gây nhiễm trùng
- Cắt móng chân theo chiều ngang và nhẹ nhàng giũa các cạnh sắc hai bên
- Kiểm tra bàn chân mỗi ngày xem có vết cắt, vùng da đỏ, sưng, vết loét, vết phồng rộp, vết chai không. Hãy cho bác sĩ của bạn biết nếu tìm thấy bất kỳ thay đổi nào được nêu ra
- Mang vớ hút ẩm
- Trước khi mang giày, hãy kiểm tra các vật sắc nhọn bên trong và lấy nó ra (có thể là đá nhỏ, ghim bấm giấy…)
- Mang giày êm, vừa vặn và không cọ xát vào chân
- Giữ cho máu lưu thông. Kê chân lên lúc đang ngồi và ngọ nguậy các ngón chân trong vài phút khi ngồi lâu
Hơn nữa, bạn cần tránh những điều dưới đây:
- Không đi lại bằng chân trần, kể cả khi ở trong nhà
- Không ngâm chân
- Không tự ý loại bỏ các vết chai
- Không hút thuốc
Cần làm gì nếu chân tôi bị thương?
Nếu bạn phát hiện một vết cắt, vết phồng rộp, vết loét, vùng da đỏ hoặc vết nứt hở, bạn nên ngay lập tức:
Bước 1. Rửa và lau khô khu vực vết thương
Bước 2. Bôi thuốc sát trùng tốt như Betadine
Bước 3. Băng lại bằng băng vô trùng, có bán ở các hiệu thuốc
Nếu vết thương không cải thiện trong vòng 24 giờ, hãy lập tức gặp bác sĩ.
3.2 Những phương pháp nào giúp điều trị biến chứng tiểu đường ở chân?
Lưu ý, đây là biến chứng nghiêm trọng, cần được chăm sóc và theo dõi y tế, không tự ý điều trị.
- Vệ sinh vết thương
- Làm sạch chất lỏng hoặc mủ từ vết loét
- Loại bỏ mô chết hoặc bị nhiễm trùng
- Dùng băng gạc và thuốc mỡ đặc biệt để hấp thụ chất lỏng hoặc mủ dư thừa, bảo vệ vết thương và giúp vết thương mau lành
- Cho người bệnh dùng xe lăn hoặc nạng để giảm trọng lượng lên bàn chân bị thương
- Kê thuốc kháng sinh để kiểm soát và loại bỏ nhiễm trùng
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng, bác sĩ có thể đề nghị nhập viện. Thậm chí phải cắt cụt chi để ngăn nhiễm trùng lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể
Trước khi mọi việc trở nên quá trễ, bạn cần kiểm soát tốt đường huyết và chăm sóc đôi chân của mình hàng ngày.
Có thể bạn chưa biết:
- Biến chứng thần kinh khu trú do tiểu đường – Mối nguy hiểm cần nhận diện
- Nhận diện bệnh đám rối – rễ thần kinh do tiểu đường
- Bệnh thần kinh ngoại biên do tiểu đường nguy hiểm thế nào?
Bài viết tham khảo nguồn: nhs.uk, cdc.gov, diabetes.org.uk, diabetes.org, webmd.com, diabetesaustralia.com.au và niddk.nih.gov.