Bệnh tiểu đường có thể tác động đáng kể đến não bộ và khả năng nhận thức. Sự liên quan giữa bệnh tiểu đường và suy giảm nhận thức đang dần được làm sáng tỏ thông qua nhiều nghiên cứu. Chúng cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa đường huyết cao và sự suy giảm chức năng não bộ.
1. Cơ chế tác động của bệnh tiểu đường lên não bộ
Mặc dù các nhà khoa học chưa hiểu rõ hoàn toàn cách mà bệnh tiểu đường dẫn đến suy giảm nhận thức, nhưng họ đã xác định một số cơ chế tiềm năng:
- Tổn thương mạch máu: Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ, từ đó gây tổn thương mạch máu trong não và gây suy giảm nhận thức.
- Mất cân bằng các chất trong não: Não phụ thuộc vào sự cân bằng của nhiều chất khác nhau. Nhưng đường huyết cao hoặc insulin tăng quá mức có thể phá vỡ sự cân bằng này, góp phần kích hoạt suy giảm nhận thức.
- Viêm và tổn thương tế bào não: Đường huyết cao có thể gây viêm, làm tổn thương tế bào não và tăng nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ.
Ở người mắc tiểu đường, khi tình trạng bệnh không được kiểm soát hiệu quả, đường huyết tăng cao kéo dài có thể âm thầm gây tổn hại đến nhiều cơ quan quan trọng trong cơ thể, bao gồm cả não bộ.
2. Tăng nguy cơ suy giảm nhận thức ở người tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2
Bệnh tiểu đường có thể gây suy giảm nhận thức ở cả người tiểu đường type 1 và type 2. Theo kết quả của một nghiên cứu, bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 có nguy cơ mất trí nhớ cao hơn 93% so với người không mắc bệnh. Một nghiên cứu năm 2021 ở Mỹ cũng cho thấy, người lớn tuổi mắc tiểu đường tuýp 1 phải nhập viện do một lần rối loạn đường huyết đã đối mặt với nguy cơ cao hơn mắc chứng sa sút trí tuệ. Đáng chú ý, những trường hợp nhập viện nhiều lần vì tăng và hạ đường huyết có thể phát triển suy giảm nhận thức cao gấp sáu lần.
Người ở giai đoạn đầu của bệnh tiểu đường tuýp 2 đã có dấu hiệu suy giảm chức năng não bộ. Một nghiên cứu cho thấy các đối tượng tham gia có mức kháng insulin cao trong não, dẫn đến khả năng sử dụng glucose để duy trì hoạt động bình thường của não bị giảm sút.
Ngoài ra, những người mắc tiểu đường tuýp 2 còn gặp phải tình trạng suy giảm nhận thức nhanh hơn, đặc biệt ở khả năng điều hành và tốc độ xử lý thông tin.
Đặc biệt, những người khởi phát bệnh tiểu đường tuýp 2 khi còn trẻ phải đối mặt với nguy cơ suy giảm nhận thức cao hơn đáng kể so với những người mắc bệnh ở độ tuổi muộn hơn.
3. Mối liên hệ với bệnh Alzheimer
Bệnh tiểu đường có thể gây suy giảm nhận thức và làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, một dạng sa sút trí tuệ phổ biến. Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học làm sáng tỏ mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường tuýp 2 và Alzheimer – căn bệnh phổ biến nhất dẫn đến sa sút trí tuệ. Đường huyết cao kích thích sự hình thành beta-amyloid, một protein đặc trưng của bệnh Alzheimer. Các nghiên cứu quy mô lớn, theo dõi trong thời gian dài, đã cho thấy người trưởng thành mắc tiểu đường tuýp 2 đối mặt với nguy cơ cao hơn đáng kể trong việc phát triển bệnh Alzheimer.
4. Thay đổi trong cấu trúc não
Bệnh tiểu đường có thể gây suy giảm nhận thức bằng cách tác động đến cấu trúc não. Những người mắc tiểu đường thường có hồi hải mã (hippocampus) – vùng liên quan đến trí nhớ nhỏ hơn bình thường. Điều này liên quan đến mức HbA1C cao (chỉ số phản ánh mức đường huyết trung bình trong thời gian dài).
5. Tôi nên làm gì?
Biết rằng bệnh tiểu đường có thể gây suy giảm nhận thức, chúng ta cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Để nâng cao sức khỏe tổng thể, và đặc biệt là giảm thiểu các biến chứng do tiểu đường, bao gồm cả suy giảm nhận thức, chúng ta nên:
- Ăn tốt. Hãy hướng đến một chế độ ăn uống lành mạnh tổng thể. Ưu tiên các thực phẩm nguyên bản, nhiều trái cây và rau củ, đạm nạc, các loại đậu, hạt và sử dụng dầu ô liu hoặc dầu hạt cải để nấu ăn.
- Tăng cường vận động. Người lớn nên dành 150 phút cho các hoạt động thể chất ở mức độ vừa phải, hoặc 75 phút cho hoạt động cường độ cao mỗi tuần. Trẻ em cần ít nhất 60 phút vận động mỗi ngày, bao gồm cả vui chơi tự do và các hoạt động có tổ chức.
- Không hút thuốc lá. Nếu bạn cảm thấy quá khó để cai thuốc lá, hãy thử tham khảo tư vấn của bác sĩ.
- Ngủ ngon và đủ giấc. Hầu hết người lớn cần ngủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm. Trẻ em cần nhiều thời gian ngủ hơn: 8-10 tiếng cho thanh thiếu niên từ 13-18 tuổi. Một giấc ngủ ngon có khả năng giúp cơ thể phục hồi, cải thiện chức năng não bộ và giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.
- Kiểm soát cân nặng. Việc duy trì và đạt được cân nặng hợp lý mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Mức BMI nên duy trì trong khoảng 18.5-22.9 đối với người châu Á.
- Quản lý đường huyết. Đường huyết được theo dõi thường xuyên và kiểm soát tốt có thể ngăn chặn các biến chứng dài hạn của bệnh tiểu đường. Máy đo đường huyết liên tục là một giải pháp tiên tiến, cho phép giám sát mức đường huyết theo thời gian thực và phát hiện kịp thời những biến động bất thường. Công nghệ này giúp người bệnh quản lý sức khỏe một cách chủ động, giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng, cải thiện tình trạng bệnh và mang lại cuộc sống khỏe mạnh hơn, tươi vui hơn.
- Kiểm soát huyết áp và cholesterol: Đảm bảo các chỉ số này ở mức an toàn giúp bảo vệ mạch máu, bao gồm cả mạch máu não.
Và hãy nhớ tái khám định kỳ theo thời gian chỉ định của bác sĩ!
Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và suy giảm nhận thức là một vấn đề phức tạp nhưng ngày càng được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là bệnh tiểu đường có thể gây suy giảm nhận thức và làm giảm chất lượng cuộc sống. Việc kiểm soát bệnh tiểu đường không chỉ giúp ngăn ngừa các biến chứng về tim mạch hay thận, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ não bộ khỏi các tổn thương lâu dài. Sự kết hợp giữa việc theo dõi y tế chặt chẽ và thay đổi lối sống lành mạnh là chìa khóa để giảm nguy cơ suy giảm nhận thức ở bệnh nhân tiểu đường.
Hãy luôn nhớ rằng, một lối sống lành mạnh không chỉ giúp bạn sống lâu hơn mà còn đảm bảo chất lượng cuộc sống cao hơn, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Để biết thêm về máy đo đường huyết liên tục 3P, bạn có thể truy cập bài viết <https://web.fptmedicare.vn/uu-dai-dat-mua-truoc-may-do-duong-huyet-lien-tuc/>
Tài liệu tham khảo:
https://www.alz.org/media/documents/alzheimers-dementia-diabetes-cognitive-decline-ts.pdf
heart.org/en/healthy-living/healthy-lifestyle/lifes-essential-8