1. Thế nào là tiểu đường tuýp 1
Bệnh tiểu đường (hay đái tháo đường) tuýp 1 làm cho mức glucose (đường) trong máu của bạn trở nên quá cao.
Điều đó xảy ra khi cơ thể bạn không thể sản xuất đủ một loại hormone gọi là insulin, giúp ổn định đường huyết.
Nếu mắc tiểu đường tuýp 1, bạn cần dùng insulin mỗi ngày để kiểm soát lượng đường trong máu. Hiện tại không có thuốc chữa khỏi hoàn toàn.
Bệnh tiểu đường tuýp 1 còn được gọi là tiểu đường phụ thuộc insulin hoặc bệnh tiểu đường vị thành niên.
Bệnh tiểu đường tuýp 1 không phải do tuổi tác hoặc thừa cân. Ngược lại, những điều này có thể là điểm khởi nguồn gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2. Theo các nhà khoa học, tiểu đường tuýp 1 được cho là có nguyên nhân do gen và các yếu tố môi trường (chẳng hạn virus).
Hiện vẫn chưa có phương pháp phòng ngừa tiểu đường tuýp 1. Các nhà khoa học vẫn đang tìm kiếm biện pháp để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh ở những người mới mắc.
Khi mới được chẩn đoán mắc tiểu đường tuýp 1, bạn có thể sẽ gặp khó khăn trong việc sử dụng insulin và kiểm soát đường huyết. Nhưng bạn vẫn có thể có cuộc sống thoải mái hơn và làm những điều mình thích. Chúng tôi – FPT Medicare ở đây là để giúp đạt được điều đó.
2.Tôi có thể tự nhận biết tiểu đường tuýp 1?
2.1 Các dấu hiệu của tiểu đường tuýp 1
Triệu chứng kinh điển của bệnh tiểu đường: “4 nhiều”
- Tiểu nhiều
- Ăn nhiều
- Uống nước nhiều
- Gầy sút cân nhiều
Ngoài ra, người mắc đái tháo đường tuýp 1 có thể có những biểu hiện sau:
- Cảm thấy mệt mỏi và thờ ơ
- Vết thương trở nên lâu lành
- Ngứa, nhiễm trùng da
- Mờ mắt
- Tâm trạng lâng lâng
- Nhức đầu
- Cảm thấy chóng mặt
- Chuột rút ở chân
Các dấu hiệu cảnh báo cần được đưa đi cấp cứu (do biến chứng nhiễm toan ceton) của tiểu đường tuýp 1 gồm:
- Bứt rứt, lú lẫn
- Thở nhanh sâu (nhịp thở Kussmaul)
- Hơi thở có mùi trái cây (mùi táo chín,…)
- Đau bụng
- Hôn mê
Các dấu hiệu này có thể xảy ra đột ngột. Một khi chúng xuất hiện, tình trạng bệnh có thể chuyển biến nghiêm trọng.
Một số triệu chứng của tiểu đường tuýp 1 tương tự với các bệnh khác. Đừng tự chẩn đoán! Nếu bạn nghi ngờ bản thân hoặc người thân có thể mắc tiểu đường tuýp 1, hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra đường huyết. Bệnh tiểu đường tuýp 1 không được điều trị có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe rất nghiêm trọng – thậm chí gây tử vong.
2.2 Ai có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường tuýp 1
Là những người có thể mang các yếu tố sau:
- Tiền sử sức khỏe gia đình. Bất cứ ai có cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 đều có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường.
- Di truyền. Có một số gene làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 1 (như gene HLA-DQA1, HLA-DQB1, và HLA-DRB1).
- Yếu tố môi trường. Bạn có khả năng mắc đái tháo đường tuýp 1 cao nếu từng nhiễm virus Coxsackie hoặc Rubella. Những virus này có thể phá hủy tế bào beta đảo tụy – nơi sản xuất insulin của cơ thể người. Từ đó gây ra bệnh tiểu đường tuýp 1.
- Tuổi. Bệnh tiểu đường tuýp 1 có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng nó xảy ra nhiều hơn ở hai độ tuổi đáng chú ý: trẻ em từ 4 đến 7 tuổi và trẻ em từ 10 đến 14 tuổi.
Những người có những nguy cơ được liệt kê ở trên nên kiểm tra đường huyết 6-12 tháng/ lần để tầm soát đái tháo đường tuýp 1.
3. Tiểu đường tuýp 1 ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe và cuộc sống của bạn?
3.1 Đối với cơ thể
* Biến chứng cấp tính:
Là những biến chứng nghiêm trọng, tiến triển nhanh chóng và nguy hiểm đến tính mạng người bệnh đái tháo đường.
Các biến chứng cấp tính thường gặp là:
- Hạ đường huyết
- Nhiễm toan ceton
- Tăng áp lực thẩm thấu máu
* Biến chứng mạn tính:
Theo thời gian, lượng đường trong máu cao dẫn đến các tổn thương mạch máu lớn và mạch máu nhỏ, có thể dẫn đến:
- Các bệnh về tim, thận, mắt
- Đột quỵ
- Bệnh răng miệng
- Tổn thương thần kinh
- Vấn đề về chân: mất cảm giác, lở loét, hoặc thậm chí cắt cụt chân
- Trầm cảm
- Chứng ngưng thở khi ngủ
Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, bạn có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển các biến chứng bằng cách kiểm soát lượng đường trong máu, huyết áp và cholesterol. Cũng như tuân theo kế hoạch tự chăm sóc bản thân.
3.2 Đối với cuộc sống hằng ngày
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống theo nhiều phương diện khác nhau. Không chỉ gây mệt mỏi, bệnh còn ảnh hưởng đến tình trạng tâm lý như lo lắng và trầm cảm do chi phí điều trị, theo dõi, các biến chứng, chế độ ăn kiêng và tập luyện.
Tiểu đường tuýp 1 có thể hạn chế bạn khám phá hết niềm vui trong cuộc sống. Những người mắc bệnh này không thể tự do ăn uống, phải kiểm tra đường huyết thường xuyên và duy trì việc sử dụng insulin. Các biến chứng nguy hiểm (đã được đề cập trước đó) làm cho cuộc sống của người bệnh trở nên căng thẳng và không thể tận hưởng hạnh phúc.
Hiện tại không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa bệnh tiểu đường type 1. Do đó, điều quan trọng là cần tầm soát để phát hiện và điều trị bệnh từ giai đoạn sớm. Điều này giúp hạn chế những tác động xấu tới sức khỏe và cuộc sống của bạn do đái tháo đường gây ra.
4. Làm sao chẩn đoán và điều trị tiểu đường tuýp 1?
4.1 Bệnh tiểu đường tuýp 1 được chẩn đoán như thế nào?
Nếu bạn gặp các triệu chứng của tiểu đường tuýp 1, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Họ sẽ hỏi về triệu chứng của bạn. Đồng thời có thể yêu cầu xét nghiệm máu và nước tiểu.
Xét nghiệm đường huyết tại bệnh viện sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán bạn có mắc tiểu đường hay không. Kết quả thử đường huyết bằng test nhanh tại nhà hoặc hiệu thuốc chỉ mang tính tương đối.
Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường, máu của bạn có thể được xét nghiệm để kiểm tra các tự kháng thể. Chúng cho thấy cơ thể bạn đang tự tấn công, và thường được phát hiện ở tiểu đường tuýp 1 chứ không phải ở tuýp 2.
Phương pháp khác dùng để xác định loại đái tháo đường là xét nghiệm nước tiểu. Sự hiện diện của cetone trong nước tiểu có thể cho thấy bạn mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 hơn là tuýp 2.
4.2 Có thể điều trị tiểu đường tuýp 1 bằng cách nào?
Nếu được chẩn đoán mắc đái tháo đường tuýp 1, bác sĩ thường sẽ điều trị cho bạn bằng cách kết hợp những việc sau:
– Sử dụng insulin
– Theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên
– Quản lý lượng carbohydrate tiêu thụ trong các bữa ăn
– Ăn thực phẩm lành mạnh
– Tập thể dục thường xuyên và duy trì cân nặng phù hợp
Mục tiêu là giữ cho lượng đường trong máu càng gần mức bình thường càng tốt. Điều đó có thể làm chậm hoặc ngăn ngừa biến chứng do bệnh tiểu đường gây ra.
Bạn cần duy trì việc thăm khám với bác sĩ theo lịch đã hẹn. Nếu có bất cứ vấn đề nào xảy ra, hãy liên lạc với bác sĩ, không nên tự ý điều trị.
Thông điệp chính:
|
Bài viết tham khảo nguồn: nhs.uk, cdc.gov, mayoclinic.org, diabetes.org.uk, niddk.nih.gov, diabetesaustralia.com.au, healthdirect.gov.au, và nhsinform.scot.