Đối với bệnh nhân đái tháo đường, việc sử dụng máy đo đường huyết lấy máu (BGM) là vô cùng cần thiết, giúp người bệnh có thể theo dõi đường máu hàng ngày. Nhờ đó có thể phát hiện ra tiến triển bất thường của bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời.
Các máy đo đường huyết BGM trên thị trường có thể có giao diện, mẫu mã và cách sử dụng khác nhau, nhưng đều có chung một nguyên lý hoạt động. Khi được sử dụng và bảo quản đúng cách, máy đo đường huyết thường cho ra kết quả chính xác và đáng tin cậy.
Vậy làm thế nào để chọn được máy đo đường huyết tốt nhất và phù hợp với người bệnh tiểu đường?
Để trả lời câu này, người bệnh tiểu đường cần xét các tiêu chuẩn quan trọng dưới đây khi chọn mua máy đo đường huyết tại nhà. Hiệp hội đái tháo đường Mỹ (ADA) có đưa ra một số khuyến cáo giúp người dùng cân nhắc lựa chọn máy BGM phù hợp. Các tiêu chuẩn lựa chọn đó bao gồm:
1. Độ chính xác và ổn định
Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) đã phát triển nhiều tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến máy đo đường huyết, giúp định rõ các yêu cầu về chất lượng và hiệu suất của các thiết bị này. Một ví dụ rõ ràng là bộ tiêu chuẩn ISO 15197:2013, được công bố vào năm 2013, đã nêu rõ máy đo đường huyết phải đạt được độ chính xác ít nhất 95% so với kết quả lấy mẫu máu và xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Và phải đảm bảo máy đo duy trì hoạt động ổn định và lâu bền ở điều kiện môi trường (nhiệt độ, độ cao,…) bình thường.
Như vậy, người dùng chỉ cần xác nhận xem sản phẩm mình cân nhắc lựa chọn có đạt tiêu chuẩn ISO15197: 2013 hay không. Chứng nhận này đảm bảo rằng máy đo đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng cao nhất, mang lại sự an tâm cho người sử dụng.
Nhờ thế, việc lựa chọn máy BGM trở nên thuận lợi hơn mà bệnh nhân không phải lo lắng về tính chính xác của kết quả đo được và độ ổn định của sản phẩm.
2. Tiện lợi và dễ sử dụng
Người bệnh thường đánh giá cao những máy đo có thời gian kết quả nhanh chóng, giúp họ tiết kiệm thời gian và tiện lợi trong việc quản lý đường huyết hàng ngày. Các máy đo hiện nay có thời gian trả kết quả nhanh chóng chỉ với 3-5 giây đã cho người dùng biết biết được mức đường huyết của họ.
Giao diện dễ sử dụng, với các nút lớn và hiển thị rõ ràng, cũng là một yếu tố quan trọng. Máy đo đường huyết ngày nay đang được thiết kế để vận hành đơn giản hơn và có những tính năng bổ trợ để có thể đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau của người dùng. Nên lựa chọn những máy có thao tác đơn giản, màn hình có giao diện dễ nhìn, sáng và rõ chữ, để người bệnh tiểu đường, nhất là những người bệnh cao tuổi đang sống một mình, có thể dễ dàng sử dụng.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần xem xét đến số lượng mẫu máu cần thiết. Tiêu chí này tập trung vào sự thuận tiện và thoải mái khi sử dụng. Máy đo đường huyết yêu cầu ít mẫu máu hơn giúp giảm mức đau và mất máu, đặc biệt là quan trọng cho những người phải thực hiện kiểm tra thường xuyên. Ngày này, với sự cải tiến của công nghệ, thì chỉ với một lượng máu rất nhỏ (chỉ khoảng 0.3-0.5µL) vẫn đảm bảo mang lại một kết quả chính xác và tin cậy cho bạn
3. Chi phí của thiết bị
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại máy đo đường huyết cá nhân (BGM) với các mức giá khác nhau. Người dùng có nhiều cơ hội lựa chọn những loại máy phù hợp với nhu cầu và điều kiện kinh tế gia đình.
Chú ý khi cân nhắc về giá thành sản phẩm, hãy nhớ tính đến chi phí của que thử của hãng vì chúng sẽ chiếm phần lớn chi phí về lâu dài. Bạn chỉ cần mua máy một lần, nhưng mỗi ngày đều phải dùng 1-2 que thử (tùy theo yêu cầu theo dõi của bác sĩ). Trong khi đó, giá thành que thử của mỗi hãng là khác nhau và không thể dùng que thử của hãng này cho máy của nhà sản xuất khác.
Hãy đảm bảo bạn có thể dự trù được đủ kinh tế để sử dụng máy đo đường huyết lấy máu hàng ngày. Tránh trường hợp, vì chi phí không đủ nên sử dụng máy một cách ngắt quãng, không đúng với hướng dẫn của nhân viên y tế.
4. Khả năng lưu trữ và theo dõi kết quả đường huyết
Khi lựa chọn máy BGM, bạn nên xem xét cách máy đo đường huyết được truy xuất thông tin và liệu bạn có thể tải dữ liệu xuống máy tính hoặc thiết bị di động được hay không? Việc lưu trữ để theo dõi hoặc chia sẻ kết quả với bác sĩ sẽ giúp cho việc quản lý bệnh trở nên dễ dàng hơn.
Đặc biệt khi có dữ liệu, bạn có thể lập biểu đồ phân tích kết quả kiểm tra đường huyết của bản thân, dễ dàng phát hiện những thay đổi mang tính tiêu cực, từ đó có quyết định xử trí kịp thời và phù hợp.
Đối với những người muốn theo dõi đường huyết theo thời gian, nên chọn máy đo có khả năng kết nối với các thiết bị khác như điện thoại, đồng hồ thông minh hoặc máy tính. Tính năng lưu trữ dữ liệu giúp theo dõi sự biến động và cung cấp thông tin quan trọng cho bác sĩ.
5. Tính linh hoạt
Khi lựa chọn máy đo đường huyết, việc xem xét vùng lấy mẫu thay thế cũng không kém phần quan trọng. Các loại máy đo hiện nay cho phép bạn lấy mẫu từ các vị trí khác (như cánh tay, đùi hoặc lòng bàn tay) nếu bạn cảm thấy mệt mỏi vì bị chích vào ngón tay quá nhiều. Nhờ vậy, người dùng có thể linh hoạt lựa chọn vị trí lấy máu xét nghiệm để giảm tối đa sự khó chịu trong quá trình sử dụng thiết bị.
Ngoài ra, kích thước và trọng lượng của máy đo đường huyết đóng vai trò quan trọng trong sự di động và tiện lợi của sản phẩm. Nếu người bệnh thường xuyên di chuyển, một máy đo gọn nhẹ sẽ là một lựa chọn tối ưu.
Ngoài ra, còn một số tiêu chuẩn hỗ trợ giúp người bệnh có thể củng cố thêm vào sự lựa chọn của mình như sau:
- Hãy tham khảo về các tính năng khác của máy có thể đáp ứng nhu cầu cụ thể của bạn hay không? Các tính năng đặc biệt có thể bao gồm các nút và que thử lớn, dễ thao tác, màn hình được chiếu sáng và âm thanh khi thao tác, có thể hữu ích cho những người khiếm thị,…, có thể là nút lớn hơn, màn hình được chiếu sáng cho dễ nhìn hơn vào ban đêm hay bổ trợ thêm khả năng thông báo bằng âm thanh
- Có hướng dẫn sử dụng và biện pháp khắc phục một số lỗi của máy đo có sẵn trên trang web của hãng. Việc này giúp người dùng dễ dàng tham khảo, cập nhật và sử dụng máy một cách hiệu quả và hài lòng.
- Công tác chăm sóc khách hàng của hãng: Có nhiều hãng máy có bộ phận chăm sóc khách hàng riêng, sẵn sàng tư vấn, giải đáp thắc mắc và hỗ trợ khắc phục lỗi của máy cho người dùng. Đây cũng là một tiêu chí cần cân nhắc vì trong quá trình sử dụng sẽ có nhiều vấn đề phát sinh mà chúng ta không thể tự mình giải quyết được.
- Tìm hiểu đánh gía và phản hồi từ người dùng trước: Đọc đánh giá và phản hồi từ người dùng khác có thể là nguồn thông tin quý giá. Những người đã sử dụng máy đo sẽ chia sẻ về trải nghiệm của họ, từ khả năng sử dụng đến độ chính xác và dịch vụ hỗ trợ từ nhà sản xuất.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những hiểu biết về các tiêu chuẩn lựa chọn máy đo đường huyết lấy máu. Theo đó, người dùng có thể lựa chọn máy BGM phù hợp với nhu cầu và điều kiện kinh tế của mình.
Bài viết tham khảo nguồn:
https://www.diabetes.co.uk/blood-glucose-meters/iso-accuracy-standards.html
https://www.diabetes.co.uk/diabetes_care/blood_glucose_monitor_guide.html#google_vignette
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/in-depth/blood-glucose-meter/art-20046335