1. Người bệnh tiểu đường có thể sử dụng thực phẩm bổ sung không?
Thực phẩm bổ sung là vitamin, khoáng chất và các thành phần dinh dưỡng khác như thảo dược. Một số trường hợp, thực phẩm bổ sung cũng có thể hữu ích trong việc hỗ trợ bổ sung dinh dưỡng cho người bị tiểu đường, tuy nhiên chúng vẫn không thể thay thế thuốc điều trị mà bác sĩ kê đơn cho bạn.
Hiện nay, các bằng chứng về tính hiệu quả của thực phẩm bổ sung trong hỗ trợ điều trị tiểu đường vẫn còn rất hạn chế và không rõ ràng.
Ngoài ra, một số chất bổ sung có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn hoặc thậm chí là nguy hiểm, đặc biệt nếu chúng tương tác với thuốc bạn đang sử dụng. Các tương tác này thường là làm tăng tác dụng của thuốc điều trị bệnh tiểu đường, gây hạ đường huyết hoặc có thể có tác dụng ngược lại, dẫn đến tăng đường huyết.
Vì vậy, trước khi sử dụng bất kỳ loại thực phẩm bổ sung nào, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị để lựa chọn được đúng loại thực phẩm bổ sung cần thiết và hiểu thêm về các lưu ý khi sử dụng những sản phẩm hỗ trợ này.
2. Những loại thực phẩm bổ sung nào có thể sử dụng cho người tiểu đường?
2.1 Các thực phẩm bổ sung có khả năng ảnh hưởng đến đường huyết
Crom
- Crom là một khoáng chất vi lượng thiết yếu, được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm. Nếu chế độ ăn uống hằng ngày không cung cấp đủ crom, cơ thể bạn sẽ không thể sử dụng glucose một cách hiệu quả.
- Một nghiên cứu năm 2014 kết luận rằng việc bổ sung crom (kết hợp với chế độ chăm sóc thông thường) đã góp phần cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường đang kiểm soát đường huyết kém.
- Tuy nhiên, việc bổ sung crom có thể gây đau dạ dày và đầy hơi. Ngoài ra, đã có một số báo cáo về tổn thương thận, các vấn đề về cơ và phản ứng da sau khi dùng crom liều cao. Bên cạnh đó, tác động của việc sử dụng crom lâu dài vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng.
- Như vậy, sự thiếu hụt crom có thể dẫn đến tăng đường huyết. Tuy nhiên, việc bổ sung crom cần sử dụng thận trọng và có chỉ định của bác sĩ. Nếu không, nó có thể làm tổn thương thêm thận và làm bệnh thận trở nên trầm trọng hơn.
Vitamin E & cây Ban âu (còn gọi là St. John’s Wort)
- Người bệnh đái tháo đường sẽ có nguy cơ cao mắc các vấn đề về tim và mạch máu nên thường được bác sĩ kê đơn các loại thuốc uống kèm để phòng ngừa tiến triển các biến chứng.
- Tuy nhiên, cả vitamin E và thảo dược St. John’s wort đều có thể gây ra những tương tác nguy hiểm với các thuốc uống kèm này, đặc biệt là thuốc trị đông máu (thường dùng để điều trị bệnh tim mạch), từ đó làm tăng nguy cơ chảy máu của bạn.
- Do đó, bạn cần tránh những chất bổ sung này nếu bạn đang dùng thuốc chống đông máu như warfarin, apixaban, dabigatran, heparin và rivaroxaban.
Niacin
- Một số người dùng niacin để tăng lượng cholesterol tốt (HDL-cholesterol), tuy nhiên nó cũng có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát bệnh tiểu đường của bạn.
- Niacin làm tăng mức đường huyết lúc đói, do đó có thể ảnh hưởng xấu đến người bệnh tiểu đường hơn là mang lại lợi ích. Bên cạnh đó, mặc dù niacin có thể làm tăng cholesterol tốt, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy điều này dẫn đến giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước để xác định xem liệu việc sử dụng niacin có an toàn cho tình trạng bệnh của bạn hay không nhé!
2.2 Nhóm thực phẩm bổ sung khác thường gặp
Vitamin B12
- Việc bổ sung vitamin B12 có thể hữu ích nếu bạn mắc bệnh tiểu đường loại 2 và thiếu vitamin B12. Những người dùng metformin để điều trị bệnh tiểu đường loại 2 thường có lượng vitamin B12 thấp. Nếu bạn đang dùng metformin, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc kiểm tra định kỳ tình trạng thiếu B12.
Viamin C
- Bổ sung vitamin C sẽ không tránh được bệnh tiểu đường và biến chứng tiểu đường. Cho đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu cho thấy lợi ích rõ ràng về tác dụng của vitamin C cho bệnh nhân tiểu đường.
Vitamin D
- Một số nghiên cứu chỉ ra rằng có mối liên hệ giữa việc nồng độ vitamin D trong máu cao hơn trong thời thơ ấu sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 1. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều bằng chứng mạnh mẽ hơn để hiểu rõ về mối liên hệ này.
Omega-3
- Việc bổ sung omega-3 như dầu cá, chưa được chứng minh là có thể giúp những người mắc bệnh tiểu đường kiểm soát lượng đường trong máu. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu và tìm thêm các bằng chứng về tác dụng của omega- 3 đối với bệnh nhân tiểu đường.
Acid alpha – lipoic
- Acid alpha-lipoic đang được nghiên cứu về tác dụng hỗ trợ làm giảm tiến triển của các biến chứng của bệnh tiểu đường, bao gồm phù hoàng điểm do tiểu đường (biến chứng mắt do tiểu đường) và bệnh thần kinh tiểu đường (biến chứng thần kinh do bệnh tiểu đường).
Một nghiên cứu năm 2016 chỉ ra rằng việc sử dụng acid alpha-lipoic đường uống có thể giúp hỗ trợ trong việc điều trị triệu chứng của bệnh thần kinh tiểu đường, đặc biệt là các cơn đau của bệnh.
Magnesium (Mg)
- Magnesi rất cần thiết cho khả năng xử lý glucose của cơ thể. Thiếu magnesi có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.
- Một số nghiên cứu đã được đánh giá hiệu quả của việc bổ sung magnesi cho người đang mắc hoặc có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, cỡ mẫu của các nghiên cứu vẫn còn khá nhỏ và kết quả của chúng chưa có tính thuyết phục.
Thảo dược, dược liệu
- Không có bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy việc sử dụng thảo dược có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường hoặc các biến chứng của nó.
- Các nhà khoa học cũng chỉ ra các thực phẩm bổ sung chứa quế không thể giúp bệnh nhân tiểu đường loại 2 đạt mục tiêu điều trị hoặc giảm đường huyết. Tuy nhiên, vì quế là gia vị có mùi thơm nên bạn có thể sử dụng quế để tạo hương vị cho món ăn thay cho gia vị có đường.
- Các chất bổ sung thảo dược khác được nghiên cứu cho bệnh tiểu đường bao gồm mướp đắng, cỏ cà ri, nhân sâm, cây kế sữa và khoai lang. Các nghiên cứu chưa chứng minh được rằng bất kỳ loại nào trong số này có hiệu quả rõ ràng, ngoài ra một số loại có thể có tác dụng phụ.
3. Người tiểu đường cần lưu ý gì khi sử dụng thực phẩm bổ sung?
3.1 Sử dụng thực phẩm bổ sung sai cách có thể ảnh hưởng xấu đến việc kiểm soát bệnh tiểu đường
Nếu bạn không sử dụng đúng cách, việc sử dụng thực phẩm bổ sung có thể mang lại nguy hiểm đến tình trạng tiểu đường của bạn. Nguyên nhân chính của điều này là do tương tác thuốc:
- Một số chất bổ sung có thể tương tác với thuốc hoặc các chất bổ sung khác bạn đang sử dụng.
- Các tương tác này có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng của thuốc trị hạ đường huyết, gây nên các tình trạng tăng hay giảm đường huyết.
3.2 Người tiểu đường có nên sử dụng thực phẩm bổ sung không?
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ cho biết không có bằng chứng nào cho thấy các chất bổ sung vitamin hoặc khoáng chất sẽ giúp những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 điều trị khỏi bệnh. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về các vấn đề sau trước khi quyết định nhé:
Hãy tham khảo lời khuyên của bác sĩ về những vấn đề sau: |
– Tôi có cần sử dụng thực phẩm bổ sung để hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường hay không?
– Nếu có, đâu là những loại tôi nên sử dụng? – Những lợi ích và nguy cơ tôi có thể gặp phải khi sử dụng những loại thực phẩm bổ sung này? – Nếu gặp tác dụng không mong muốn, tôi có thể làm gì để phòng ngừa và xử lý chúng? |
4. Tổng kết
- Hiện nay, hiệu quả của việc sử dụng thực phẩm bổ sung cho bệnh nhân đái tháo đường vẫn còn rất hạn chế và chưa thật sự rõ ràng.
- Một số thực phẩm bổ sung có khả năng ảnh hưởng đến đường huyết như crom, vitamin E & St. John’s Wort nên được dùng thận trọng vì có thể gây ra những tác động xấu đến người tiểu đường
- Việc quyết định có sử dụng thực phẩm bổ sung hay không cần được tham vấn y khoa để đưa ra những hướng dẫn phù hợp, tránh trường hợp tự ý sử dụng bất kỳ một loại thực phẩm bổ sung nào.
Có thể bạn quan tâm:
- Điều trị bệnh Tiểu đường ở trẻ em và thanh thiếu niên
- Theo dõi -kiểm soát bệnh tiểu đường: nỗi lo, gánh nặng và giải pháp
- Các loại thuốc phổ biến điều trị bệnh Tiểu đường Tuýp 1
- Có thể trị bệnh tiểu đường bằng thuốc đông y?
- Ý tưởng bữa sáng lành mạnh dành cho bệnh nhân tiểu đường
Tài liệu tham khảo: